Mỹ kêu gọi chính quyền Cameroon chuyển giao quyền lực cho phe ly khai nói tiếng Anh
Ngày 19/11, Mỹ kêu gọi chính quyền Cameroon chuyển giao quyền lực cho phe ly khai ở khu vực nói tiếng Anh đầy bất ổn, đồng thời khẳng định rằng các động thái quân sự của chính quyền càng khiến lực lượng ly khai phản ứng mạnh mẽ hơn.

Chính quyền Cameroon tổ chức cuộc đối thoại quốc gia để giải quyết cuộc khủng hoảng tại khu vực nói tiếng Anh. (Nguồn: AFP)
Cảnh báo của Mỹ được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Washington chấm dứt một số ưu đãi thương mại đối với Cameroon vì cáo buộc Yaoundé đã có nhiều hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở châu Phi Tibor Nagy cho rằng, nhà chức trách Cameroon không thể giải quyết triệt để những bất ổn tại khu vực của cộng đồng người nói tiếng Anh thông qua biện pháp quân sự. Dưới sức ép của chính quyền, ngày càng có nhiều người dân Cameroon cho rằng cần phải thành lập một quốc gia riêng biệt với con đường do chính họ lựa chọn.
Mặc dù Cameroon đã tổ chức các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng tại khu vực nói tiếng Anh nhưng những động thái này chỉ mang tính biểu tượng, không có giá trị trong thực tiễn. Do vậy, ông Tibor Nagy kêu gọi cần thực hiện các đối thoại thực sự cũng như phân chia quyền lực nhất định cho khu vực này.
Cộng đồng nói tiếng Anh tại Cameroon bất bình vì tình trạng phân biệt đối xử của chính phủ - vốn do những người nói tiếng Pháp đa số nắm quyền. Tháng 10/2017, những người cực đoan đã tuyên bố ly khai, thành lập “Cộng hòa Ambazonia” bao gồm 2 khu vực nói tiếng Anh, vốn được sáp nhập vào cộng đồng nói tiếng Pháp của Cameroon từ năm 1961. Tuy nhiên, Chính phủ đã bác bỏ yêu cầu kể trên và điều động quân đội để đàn áp. Hiện tại, không có kênh đối thoại giữa chính phủ và phiến quân.
Kể từ năm 2017, giao tranh giữa quân chính phủ và phe ly khai đòi độc lập thuộc khu vực Tây Nam và Northwest nói tiếng Anh đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và khoảng 500.000 người phải ly tán. Chính phủ đã cáo buộc các phần tử ly khai thường xuyên thực hiện các vụ tấn công nhằm vào đồn cảnh sát, trường học cũng như các vụ bắt cóc hàng loạt.