Mỹ kêu gọi EU 'kề vai sát cánh' khi Iran tìm đến Nga và Trung Quốc
Mỹ kêu gọi các nước EU tham gia vào liên minh hàng hải trong bối cảnh Iran vừa ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng 'chưa từng có tiền lệ' với Nga.
Mỹ đã chính thức đề nghị Đức cùng với Anh và Pháp tham gia vào một liên minh hàng hải nhằm đảm bảo an ninh vùng biển chiến lược ở Vịnh Ba Tư giữa căng thẳng với Iran khi mà quốc gia này vừa ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự với Nga.
Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Berlin, Đức cho biết chính quyền Tổng thống Trump đã "chính thức yêu cầu Đức tham gia cùng với Pháp và Anh nhằm đảm bảo an ninh trên Eo biển Hormuz và chống lại các hành động của Iran".
"Các thành viên trong chính phủ Đức phải hiểu rõ rằng tự do hàng hải cần được bảo vệ. Câu hỏi mà chúng tôi đặt ra hiện nay là ai sẽ là người bảo vệ điều này?", phía Mỹ khẳng định.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Mỹ và Anh kêu gọi tăng cường sự hiện diện của các lực lượng quốc tế trong hoạt động tuần tra trên tuyến đường chở dầu chiến lược quan trọng nhất thế giới cũng như tại địa điểm xảy ra các vụ bắt giữ tàu thuyền và máy bay không người lái. Tuy nhiên, cả Pháp và Đức đều không công khai phản hồi trước lời kêu gọi của các đồng minh.
3 nước EU Đức, Pháp, Anh cùng với Trung Quốc và Nga là những bên còn lại trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này năm 2018 và áp các lệnh trừng phạt lên Tehran. Trước các động thái đơn phương của Washington, EU phải tìm cách cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Iran cũng như thuyết phục nước Cộng hòa Hồi giáo này dừng việc làm giàu urani vượt mức cho phép.
Trước đó, hôm 29/7, người đứng đầu lực lượng hải quân Iran - Chuẩn Đô đốc Hossein Khanzadi cho biết Tehran đã ký kết một với Moscow nhằm mở rộng hợp tác quốc phòng 2 nước. Thỏa thuận này được phía Iran đánh giá là "một bước ngoặt" trong quan hệ 2 bên. Chỉ huy hải quân Iran cũng nhận định trên hãng truyền thông địa phương Radio Goftegoo hôm 30/7 rằng "an ninh hàng hải là rất quan trọng trong các vấn đề kinh tế và chiến lược. Các quốc gia liên quan đều có ảnh hưởng quan trọng đến hòa bình quốc tế. Sự hiện diện của Nga chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả".
Giữa căng thẳng với Mỹ và phương Tây, Iran cũng tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Trong một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và phía Trung Quốc, 2 bên đã thảo luận về "tình hữu nghị Iran-Trung Quốc trên mọi lĩnh vực", đồng thời chỉ trích các hành động của Mỹ mà 2 nước này cho là đơn phương và vi phạm luật pháp quốc tế.
Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo kêu gọi các quốc gia tham gia vào "sáng kiến an ninh hàng hải" song chỉ có Hàn Quốc dường như quan tâm đến kế hoạch này trong khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã khẳng định hồi tuần trước rằng nước này "phản đối sáng kiến của Mỹ" khi thực hiện chiến lược gây sức ép tối đa lên Iran.
Trả lời phỏng vấn hôm 29/7 tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington về kế hoạch của Mỹ sau vụ tàu treo cờ Anh bị bắt giữ, ông Pompeo cho biết Mỹ sẽ "hợp tác với Anh để tìm ra giải pháp và ngăn điều tương tự xảy ra"./.