Mỹ kêu gọi tăng sản lượng dầu mỏ và khí đốt trên toàn cầu

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm vừa cho biết, Tổng thống Biden kêu gọi tất cả các nhà cung cấp năng lượng toàn cầu, cả OPEC cũng như các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt trong nước, tăng sản lượng. Dự kiến, Tổng thống Biden sẽ gặp riêng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman để thảo luận vấn đề năng lượng. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm vừa cho biết, Tổng thống Biden kêu gọi tất cả các nhà cung cấp năng lượng toàn cầu, cả OPEC cũng như các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt trong nước, tăng sản lượng. Dự kiến, Tổng thống Biden sẽ gặp riêng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman để thảo luận vấn đề năng lượng. Bên cạnh đó, bà Granholm cũng có kế hoạch gặp giám đốc điều hành các công ty dầu mỏ và khí đốt vào tuần tới để trao đổi vấn đề nâng cao năng lực lọc dầu tại các nhà máy của Mỹ.

Giá khí đốt tại Mỹ đã tăng vào đầu năm nay nhưng trở nên trầm trọng hơn sau cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2 vừa qua làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu. Trong khi đó, một số công ty dầu mỏ hàng đầu như Exxon và Chevron báo cáo lợi nhuận tăng vọt trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.

ASEAN tổ chức đối thoại chính sách về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Ban thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) vừa tổ chức Đối thoại chính sách ba bên về thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn khu vực.

Cuộc đối thoại này đã thu hút sự tham dự của các bên liên quan từ nhiều lĩnh vực nhằm chia sẻ các nỗ lực của ASEAN liên quan đến việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn khu vực, đánh giá hiện trạng và xác định các kỳ vọng. Tại cuộc đối thoại, các đại biểu tham dự đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh các biện pháp kinh tế tuần hoàn phù hợp với các cam kết về bảo vệ môi trường của ASEAN và với Bộ phân loại xanh ASEAN. Các thách thức chính được nêu lên bao gồm thay đổi hành vi của nhà sản xuất và người tiêu dùng theo hướng tuần hoàn, sự thiếu vắng thị trường cho hàng hóa thứ cấp, các hành động manh mún trong khu vực và hạn chế về năng lực kỹ thuật.

Thúc đẩy củng cố an ninh y tế toàn cầu

Với mong muốn củng cố cấu trúc an ninh y tế toàn cầu, Indonesia với vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay tổ chức cuộc họp bộ trưởng tài chính và bộ trưởng y tế G20, diễn ra vào ngày 20 và 21-6 tại thành phố Yogyakarta.

Chuỗi các cuộc họp gồm: Hội nghị bộ trưởng y tế G20 và Hội nghị bộ trưởng tài chính và y tế chung G20. Cuộc họp bộ trưởng y tế có sự tham dự của một số đại biểu từ các quốc gia G20, Quỹ Toàn cầu, cũng như Sáng kiến Toàn cầu chia sẻ dữ liệu về bệnh cúm (GISAID). Theo Indonesia - nước Chủ tịch G20, các cuộc họp thảo luận những nỗ lực nhằm củng cố kiến trúc y tế toàn cầu bằng cách xây dựng một hệ thống an ninh y tế hiệu quả, tiêu chuẩn hóa các giấy tờ đi lại quốc tế và củng cố ngành công nghiệp dược phẩm. Các nước cũng lên kế hoạch thảo luận Quỹ trung gian tài chính (FIF), huy động nguồn tài trợ đối phó với các đại dịch trong tương lai, kế hoạch chia sẻ thông tin về dữ liệu giải trình tự bộ gen (WGS) để có thể phát hiện các loại mầm bệnh, virus và vi khuẩn có khả năng gây ra đại dịch./.

PV

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202206/my-keu-goi-tang-san-luong-dau-mo-va-khi-dot-tren-toan-cau-2551457/