Mỹ khẳng định 'tình thân' với Ai Cập, Trung Quốc cũng chuẩn bị 'dốc' hàng tỷ USD vào quốc gia Bắc Phi
Ngày 8/3, tại cuộc gặp ở Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang ở thăm, cùng tái khẳng định mối quan hệ quân sự chặt chẽ giữa hai nước.
Người phát ngôn Ahmed Fahmy của Phủ Tổng thống Ai Cập cho biết, Tổng thống El-Sisi đã bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực quân sự và an ninh.
Chuyến thăm Cairo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ diễn ra ngay sau chuyến thăm bất ngờ của ông tới Baghdad (Iraq), cũng như sau cuộc hội đàm ở Amman với Quốc vương Jordan Abdullah II. Tại hai thủ đô của Iraq và Jordan, Bộ trưởng Austin đã nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với an ninh và ổn định trong khu vực.
Trong tuyên bố được đăng tải trên Twitter trước cuộc gặp Tổng thống El-Sisi, ông Austin mô tả quan hệ đối tác quốc phòng của Washington với Cairo là “trụ cột cốt yếu” trong “cam kết của Mỹ đối với khu vực Trung Đông”.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc ca ngợi vai trò của Ai Cập là “lực lượng bình ổn có trách nhiệm” ở Trung Đông, đồng thời nhấn mạnh “hợp tác quốc phòng là trụ cột then chốt của quan hệ song phương”.
Ai Cập là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực Trung Đông, đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Palestine và Israel, cũng như có ảnh hưởng trong các vấn đề nóng khác ở khu vực.
Washington hiện cấp khoản viện trợ quân sự trực tiếp trị giá hơn 1 tỷ USD mỗi năm dành cho Cairo. Ai Cập là một trong những nước nhận viện trợ lớn nhất của Mỹ kể từ khi trở thành quốc gia Arab đầu tiên bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 1979.
Trong một tin khác liên quan Ai Cập, cùng ngày, chính phủ nước này thông báo, Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc (Energy China) sẽ triển khai dự án hydro xanh ở quốc gia Bắc Phi, với khoản đầu tư dự kiến lên đến 5,1 tỷ USD.
Trung Quốc đang chuẩn bị triển khai một loạt dự án trị giá hàng tỷ USD tại Khu Kinh tế kênh đào Suez (SCEZ) của Ai Cập. Mới đây, Trung Quốc đã công bố bắt đầu vận hành nhà máy lớn nhất tại khu vực TEDA của SCEZ để sản xuất các thiết bị điện được xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia trên thế giới.
Tính đến nay, Ai Cập đã thu hút được tổng vốn đầu tư vào SCEZ lên tới 18 tỷ USD, với các dự án có tổng trị giá 10 tỷ USD đang được thực hiện sau khi ký kết.
Theo Bộ trưởng Tài Chính Ai Cập Mohamed Maait, các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào quốc gia Bắc Phi đã tăng lên đáng kể trong 10 năm qua. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại Ai Cập trong năm 2022.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã rót 28,5 tỷ USD vào khu vực Levant, trong đó phần lớn nguồn tài chính được đổ vào Ai Cập.
Hiện tại, hơn 140 công ty Trung Quốc đang hoạt động tại thị trường Ai Cập, trong đó, 55% hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, 20% trong lĩnh vực xây dựng và 12% trong lĩnh vực dịch vụ.