Mỹ: Khi bà Harris quyết định 'sẽ không im lặng'

Sau cuộc gặp với thủ tướng Israel vào tuần này, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố bà 'sẽ không im lặng'.

Bà đang đề cập nỗi lo xoay quanh xung đột trên Dải Gaza nhưng theo một cách nào đó, đó là một tuyên bố mang ý nghĩa sâu xa hơn.

Trong gần 4 năm, bà là người thầm lặng, với vai trò là "phó tướng" của Tổng thống Joe Biden.

Giờ đây, bà đột nhiên được đưa lên làm ứng viên tổng thống mới của đảng Dân chủ và sự im lặng không còn là một lựa chọn phù hợp.

Thử thách đối với bà Harris trong 100 ngày tiếp theo sẽ là tìm ra tiếng nói của chính mình mà không "đoạn tuyệt" với Tổng thống Biden - một hành động chính trị "tế nhị".

Mỗi tuyên bố của bà sẽ được xem xét kỹ lưỡng để xác định liệu nó có nhất quán với tuyên bố của Tổng thống Biden hay không.

Tuy nhiên, ngay cả khi muốn thể hiện lòng trung thành với ông chủ Nhà Trắng, bà Harris cũng hy vọng có thể cho công chúng thấy mình là ai.

Theo những người từng làm việc với họ, Phó Tổng thống Harris may mắn vì không có nhiều khác biệt với Tổng thống Biden.

Mặc dù xích mích giữa tổng thống và phó tổng thống không phải là chuyện hiếm, ông Biden và bà Harris không có những bất đồng đáng chú ý.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris được đảng Dân chủ kỳ vọng có thể đánh bại cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2024. Ảnh: EPA

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris được đảng Dân chủ kỳ vọng có thể đánh bại cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2024. Ảnh: EPA

Tổng thống Biden đã giao quyền phát biểu trước công chúng cho Phó tổng thống Harris vào ngày 25-7, khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thăm Nhà Trắng.

Theo New York Times, Tổng thống Biden quan tâm sâu sắc đến việc loại cựu Tổng thống Donald Trump ra khỏi Nhà Trắng và đó là lý do để ông đầu tư vào thành công của bà Harris.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Netanyahu, Phó Tổng thống Harris chỉ trích những người đứng về phía nhóm vũ trang Hamas, đồng thời nhấn mạnh bà ủng hộ quyền tự vệ chống khủng bố của Israel.

Tuy nhiên, bà cũng nói một cách mạnh mẽ về "hình ảnh những đứa trẻ thiệt mạng và những người đói khát, tuyệt vọng chạy trốn để tìm nơi an toàn" sau cuộc tấn công của Israel nhằm vào Hamas ở Gaza.

"Chúng ta không thể vô cảm trước nỗi đau và tôi sẽ không im lặng" - bà Harris nói.

Ông Khaled Elgindy, giám đốc chương trình về Palestine và các vấn đề Palestine-Israel tại Viện Trung Đông, khẳng định tuyên bố nêu trên của bà Harris cho thấy "sự khác biệt đáng chú ý đối với lập trường của Tổng thống Biden", chí ít là về giọng điệu.

"Tổng thống Biden thường tập trung vào nhu cầu, lợi ích và mất mát của Israel rồi mới nói đến nỗi đau của người Palestine. Phó Tổng thống Harris đã đảo ngược công thức này bằng cách tập trung vào nỗi đau của người Palestine trong suốt bài phát biểu của mình" - ông giải thích.

Tổng thống Joe Biden đột ngột dừng tranh cử vì muốn "chuyển giao quyền lãnh đạo cho thế hệ mới". Ảnh" Reuters

Tổng thống Joe Biden đột ngột dừng tranh cử vì muốn "chuyển giao quyền lãnh đạo cho thế hệ mới". Ảnh" Reuters

Cao Lực

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/my-khi-ba-harris-quyet-dinh-se-khong-im-lang-19624072716375613.htm