Mỹ không dễ bán thêm khí đốt hóa lỏng cho EU

EC - cơ quan điều hành của EU - không phải là một tổ chức mua khí đốt và không thể làm gì khác ngoài việc phát tín hiệu tới Mỹ rằng các công ty châu Âu quan tâm tới LNG Mỹ...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Dù chưa tuyên bố áp thuế quan lên hàng hóa châu Âu trong ngày đầu cầm quyền, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ phát động chiến tranh thương mại với khu vực này trừ phi Liên minh châu Âu (EU) mua thêm dầu thô và khí đốt của Mỹ.

Brussels phát tín hiệu cởi mở với ý tưởng này của ông Trump, nhưng theo tờ Financial Times, EU không có thẩm quyền để quyết định vấn đề này, và các quốc gia trong khối đang nhập khẩu một lượng kỷ lục khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Nga với giá rẻ hơn. Vấn đề liệu châu Âu có thể hành động như một khối thống nhất và mua thêm nhiên liệu từ Mỹ đang phủ bóng lên mối quan hệ giữa hai bên bờ Đại Tây Dương, trong bối cảnh ông Trump đã chính thức trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng vào ngày 20/1.

“Mua dầu thô và khí đốt của chúng tôi với số lượng lớn. Nếu không, thuế quan sẽ được áp”, ông Trump cảnh báo châu Âu trên mạng xã hội vào tháng trước.

Không lâu sau khi ông Trump tái đắc cử vào tháng 11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói: “Tại sao không thay thế khí đốt Nga bằng LNG Mỹ?”

VAI TRÒ CỦA LNG NGA ĐỐI VỚI CHÂU ÂU

Tuy nhiên, EC - cơ quan điều hành của EU - không phải là một tổ chức mua khí đốt và không thể làm gì khác ngoài việc phát tín hiệu tới Mỹ rằng các công ty châu Âu quan tâm tới LNG Mỹ - theo các quan chức và nhà phân tích. Hồi năm 2022, EU đã hứa sẽ mua thêm LNG từ Mỹ, nhưng giới chức châu Âu cho biết hiện họ chưa có kế hoạch cập nhật cam kết đó.

“Chúng tôi cần phải đưa ra những điều kiện gì để thực thi điều đó? Chúng tôi sẽ chưa đánh giá lại tất cả mọi thứ vào ngày 21/1”, một quan chức EU nói với Financial Times.

EU hiện vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch có giá rẻ hơn từ Nga. Dù lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga của EU chỉ còn ở mức độ ít ỏi, các công ty trong khối này vào năm ngoái đã mua một lượng lớn kỷ lục LNG từ Nga.

“Lẽ ra số LNG đó phải được mua từ Mỹ”, CEO Mike Sommers của Viện Dầu lửa Mỹ (API) - tổ chức vận động hành lang lớn nhất của ngành công nghiệp dầu khí Mỹ - phát biểu.

Lo ngại nguy cơ xảy ra tình trạng thắt chặt nguồn cung năng lượng sau khi Nga giảm dần cung cấp khí đốt qua đường ống tới châu Âu, EU đã không cấm việc nhập LNG từ Nga như đã cấm nhập khẩu than Nga, đồng thời cũng không áp trần giá đối với LNG Nga vận chuyển bằng đường biển như trần giá áp lên dầu Nga.

Thay vào đó, EU chỉ đưa ra mục tiêu là cai hoàn toàn năng lượng hóa thạch Nga vào năm 2027 và cho phép các chính phủ trong khối cấm các nhà xuất khẩu Nga sử dụng hạ tầng khí đốt của châu Âu. Một số bộ trưởng các nước thành viên EU đã phàn nàn rằng các biện pháp này không đủ mạnh để họ buộc các công ty phá hợp đồng hiện có.

LNG có thể trở thành đối tượng trong một đợt trừng phạt mới của EU đối với Nga - theo tiết lộ của các nhà ngoại giao EU tham gia đàm phán. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự phê chuẩn của tất cả 27 quốc gia thành viên EU, mà Hungary và Slovakia nhiều khả năng sẽ phản đối.

Tháng 1 này, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đưa hai cơ sở LNG nhỏ của Nga vào danh sách trừng phạt của Mỹ, nhưng không bao gồm Yamal - một cảng LNG lớn của Nga cung cấp cho châu Âu và các thị trường khác trên thế giới.

Theo nhà phân tích Tatiana Mitrova của Trung tâm Chính sách năng lượng Toàn cầu (CGEP), sẽ là một động thái “rất logic” nếu chính quyền Trump 2.0 tìm cách thúc đẩy xuất khẩu LNG Mỹ sang châu Âu. Về phần mình, ngành công nghiệp LNG của Mỹ tự tin có đủ công suất dự trữ để thay thế vị trí của LNG Nga trong cơ cấu năng lượng châu Âu.

GIÁ LNG MỸ LÀ MỘT VẤN ĐỀ

Công ty nghiên cứu S&P Global Commodity Insights cho biết hiện đã có 10,3 triệu tấn LNG trong các hợp đồng đã được ký kết để cung cấp cho châu Âu từ các nhà máy đang được xây dựng ở Mỹ. Ngoài ra, còn có 9,5 triệu tấn LNG Mỹ sẵn có nữa mà châu Âu có thể mua thêm. Tổng số LNG Mỹ này lớn hơn 17 triệu tấn LNG Nga mà EU đã nhập khẩu vào năm ngoái, và “sẽ sẵn có mỗi năm từ năm 2029 hoặc sớm hơn” - theo S&P.

Trong số các sắc lệnh mà ông Trump ký trong ngày cầm quyền đầu tiên, có sắc lệnh chấm dứt lệnh cấm của chính quyền tiền nhiệm đối với việc cấp phép cho nhà máy LNG mới. Phía EU cũng có dư địa để nhập thêm LNG tại các cảng tái khí hóa - những cơ sở chuyển đổi LNG nhập khẩu thành khí đốt.

Tuy nhiên, giá cả là một vấn đề ở đây. Nếu làm hài lòng ông Trump, EU sẽ gặp khó khăn trong việc bảo vệ các cơ sở công nghiệp trong khối và giảm giá năng lượng, nhất là ở Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Giá khí đốt ở EU hiện cao gấp hơn 3 lần so với ở Mỹ và thường xuyên cao ít nhất gấp đôi so với mức trước khi xung đột quân sự Nga-Ukraine nổ ra vào năm 2022. “Vấn đề giá cả rất nhạy cảm và mang tính quyết định”, một quan chức cấp cao EU nói.

Giám đốc thương mại Anatol Feygin của công ty xuất khẩu LNG Cheniere Energy có trụ sở ở Houston nói các quyết định thương mại và tín hiệu giá cả sẽ quyết định dòng chảy LNG Mỹ tới châu Âu, thay vì sự chỉ đạo của chính phủ.

“Mỹ rất khác với Qatar và các phần khác của thế giới. Không có các giao dịch trực tiếp giữa chính phủ với chính phủ”, ông nói, cho rằng có một cách để Brussels và các chính phủ khác ở châu Âu có thể tham gia vào ý tưởng mua thêm LNG của Mỹ là thiết lập một dự trữ LNG chiến lược trong đó có LNG mua từ Mỹ.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu khí đốt của EU đến năm 2030 sẽ giảm 25% so với năm 2023, trong khi các quốc gia như Qatar và Canada có thể tăng sản lượng LNG.

“Chúng ta đang bước vào thời kỳ của một làn sóng nguồn cung LNG mới. Mỗi năm qua đi, châu Âu càng dễ tìm nguồn cung thay thế khí đốt Nga hơn, nhất là từ năm 2026 trở đi”, chiến lược gia trưởng về khí đốt toàn cầu của S&P Global Commodity Insights, ông Michael Stoppard, nhận xét.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/my-khong-de-ban-them-khi-dot-hoa-long-cho-eu.htm