Mỹ không nên chỉ giúp đỡ Israel mà 'phớt lờ' người Palestine
Các nhà phân tích cho rằng bạo lực bùng phát trên quy mô lớn cho thấy tình hình khó có thể hạ nhiệt nếu không giải quyết được hoàn cảnh khó khăn của người Palestine.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói về một “Trung Đông hội nhập, bền vững hơn” - một nơi mà Israel được hưởng “sự bình thường hóa và kết nối kinh tế tốt hơn”.
Tầm nhìn đó dường như đã hạ thấp xung đột Israel-Palestine vốn âm ỉ bấy lâu. Với sự chiếm đóng quân sự, hoạt động giám sát được hỗ trợ bởi công nghệ, các bức tường và trạm kiểm soát ở các vùng lãnh thổ của Palestine như Bờ Tây và Gaza, một hiện trạng tương đối ổn định đã được thiết lập - ít nhất là trên bề mặt.
Các chuyên gia cho rằng điều này đã cho phép Israel và Mỹ, đồng minh hàng đầu của họ, gần như phớt lờ hoàn cảnh khó khăn của người Palestine và chuyển sang các vấn đề khác.
Chính quyền ông Biden đã làm việc với Israel về nhiều vấn đề như: thỏa thuận ngoại giao với Ả Rập Saudi, tuyến đường thương mại nối Ấn Độ với châu Âu và những lo ngại về Iran cũng như chương trình hạt nhân của nước này.
Nhưng trật tự khu vực đã bị lung lay hôm 7.10 khi nhóm Hamas của Palestine đã phát động một cuộc tấn công phối hợp chặt chẽ chống lại Israel từ dải Gaza và giết chết hàng trăm người.
“Đây là một điểm mù. Ý tưởng bình thường hóa quan hệ Ả Rập-Israel của Mỹ như thể vấn đề Palestine không tồn tại”, Zaha Hassan, một luật sư nhân quyền và thành viên của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho Al Jazeera biết.
Nhiều chuyên gia và lãnh đạo trong khu vực đã cảnh báo không thể bỏ qua vấn đề Palestine. Các nhóm nhân quyền nổi tiếng, bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế đã cáo buộc Israel áp đặt hệ thống phân biệt chủng tộc đối với người Palestine.
Vua Abdullah của Jordan nói với Liên Hợp Quốc vào tháng 9 rằng: “An ninh và phát triển khu vực không thể đứng vững trước đống tro tàn của cuộc xung đột này”.
“Mỹ đã tiếp tục tách các chính sách lớn hơn ở Trung Đông ra khỏi yêu cầu của người Palestine về một nhà nước độc lập của riêng họ”, Hassan cho hay.
Mỹ gần đây đã thừa nhận Israel tham gia chương trình miễn thị thực độc quyền của mình, một động thái mà các nhà phê bình cho là một đặc quyền chính trị dành cho chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Saudi là một mục tiêu lớn khác mà các nhà lãnh đạo Israel tìm kiếm mà Biden và các trợ lý của ông đang để mắt tới. Rất ít quốc gia Ả Rập công nhận Israel kể từ khi nước này thành lập vào năm 1948, nhưng chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giúp đạt được một loạt thỏa thuận vào năm 2020 - được gọi là Hiệp định Abraham - nhằm thiết lập quan hệ chính thức giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Maroc.
Sudan cũng đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel như một phần trong nỗ lực của ông Trump. Ông Biden đang cố gắng mở rộng danh sách các quốc gia sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Israel.
Chính quyền đương nhiệm Mỹ cũng tự hào về việc thiết lập quan hệ đối tác khu vực. Ví dụ, tại Diễn đàn Negev vào tháng 7 năm nay, Mỹ đã giúp thúc đẩy đối thoại giữa Israel và các nước Ả Rập như Bahrain, Ai Cập, Maroc và UAE.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Palestine đã bác bỏ các thỏa thuận do Mỹ làm trung gian và coi đó là một “cú đâm sau lưng”. Trước đây, đại đa số các quốc gia Ả Rập đã đặt điều kiện hình thành quan hệ với Israel là phải đảm bảo các quyền của người Palestine như được nêu rõ trong Sáng kiến Hòa bình Ả Rập.
Hỗ trợ Israel
Dan Shapiro, cố vấn cấp cao về hội nhập khu vực tại Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Al Jazeera vào tuần trước rằng chính quyền Biden đang thảo luận về việc bình thường hóa quan hệ của Israel với các quốc gia ngoài khu vực Vùng Vịnh - ở châu Phi và Đông Á.
Shapiro, cựu đặc phái viên tại Israel đã ca ngợi “sự gia tăng đáng kể trong hợp tác an ninh” giữa Israel và các đối tác Ả Rập mới.
“Mỹ rất coi trọng lợi ích của chúng tôi khi trở thành đối tác của các quốc gia đó khi họ xây dựng các liên minh, để hợp tác và cùng nhau làm cho Trung Đông trở nên mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn”, ông Shapiro nói.
Giới chức Mỹ thừa nhận rằng nỗ lực thúc đẩy quan hệ chính thức giữa Israel và các nước Ả Rập không phải là sự thay thế cho hòa bình giữa người Israel và người Palestine. Washington hiện làm rất ít để có thể vực dậy triển vọng thành lập một nhà nước Palestine.
Tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng trước, ông Netanyahu đã bác bỏ ý kiến cho rằng hòa bình với người Palestine phải là điều kiện để bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng Ả Rập. “Chúng ta không được trao cho người Palestine quyền phủ quyết đối với các hiệp ước hòa bình mới với các quốc gia Ả Rập”, ông nói.
Ông Netanyahu cũng giơ một bản đồ khu vực cho thấy các vùng lãnh thổ của Palestine và Cao nguyên Golan của Syria, là một phần của Israel - làm dấy lên bất bình trong số những người ủng hộ quyền của người Palestine rằng những lo ngại của họ đang bị xóa bỏ trong bối cảnh các cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ.
“Tôi nghĩ những gì đã xảy ra hôm 7.10 và những gì đang tiếp tục diễn ra là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng khu vực không thể quên tình hình Palestine, nếu chưa được giải quyết, sẽ tiếp tục cản trở một nền hòa bình rộng lớn hơn trong khu vực. Mỹ phải tính đến điều đó ngay bây giờ”, Hassan nói.
Người Palestine ‘sẽ không biến mất’
Theo các nhà phân tích, cho đến nay, có vẻ như vụ bạo lực bùng phát gần đây không khiến Mỹ phải đánh giá lại chính sách của Mỹ đối với Israel.
Tổng thống Biden hôm 10.10 mô tả cuộc tấn công của Hamas là một cuộc tấn công “khủng bố” nhằm giết người Do Thái mà không đề cập đến cuộc đấu tranh của người Palestine. Ông cũng so sánh Hamas với ISIL (ISIS).
Các quan chức Hamas đã viện dẫn những hành vi vi phạm của Israel, bao gồm cả các cuộc đột kích của lực lượng Israel tại Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Họ cho biết đây là lý do chính sau vụ tấn công vào Israel thứ Bảy tuần trước.
“Giống như mọi quốc gia trên thế giới, Israel có quyền đáp trả những cuộc tấn công tàn độc này”, ông Biden nói, đồng thời cam kết hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Israel ở Gaza.
Tuy nhiên, Khalil Jahshan, Giám đốc điều hành của Trung tâm Ả Rập Washington DC, cho biết quy mô xung đột Israel-Palestine không thể bị bỏ qua trong các chính sách khu vực.
“Việc tạo ra một Trung Đông mới phục vụ chủ yếu cho mục đích kinh tế của Mỹ và các nước Ả Rập muốn bình thường hóa quan hệ với Israel, cũng tương đương với việc tạo ra một bản đồ mới cho Trung Đông mà không có Palestine. Người dân Palestine sẽ không chấp nhận điều đó, họ sẽ không biến mất", ông nói.
Khi Tổng thống Mỹ kêu gọi hỗ trợ và cung cấp thêm vũ khí cho Israel, Jahshan đặt câu hỏi về chiến lược dài hạn của Washington. “Khi nào dừng lại? Khi nào mới nghiêm túc xem xét việc chấm dứt cuộc xung đột này, chấm dứt sự chiếm đóng, trao cho người dân Palestine một vị trí dưới ánh mặt trời - quyền quyết định tương lai của chính họ?”, Jahshan nói thêm.