Hải quân Nga có sẵn một siêu ngư lôi đó là VA-111 Shkval, trong khi đó Mỹ không có gì giống như nó. Nhận xét nói trên đã được trình bày bởi chuyên gia quân sự Harrison Kass trên tờ 19FortyFive.
Mỹ là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, lực lượng vũ trang nước này nắm trong tay lượng lớn vũ khí công nghệ cao cực kỳ lợi hại. Tuy nhiên Washington lại không có một loại vũ khí mà hai đối thủ lớn của họ là Nga và Iran đã sở hữu.
Nhà phân tích của tờ 19FortyFive chỉ rõ đó chính là ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval, vũ khí này khác với ngư lôi thông thường ở tốc độ cực cao. Do hiện tượng vật lý được gọi là siêu bọt khí, chúng có thể tăng tốc lên tới 300 km/h.
Nguyên lý của hiện tượng siêu bọt khí là tạo ra một bong bóng trong môi trường nước, được bao trùm bên ngoài bởi bọt khí khổng lồ, vật thể thực sự không gặp phải lực cản của nước. Nhờ vậy ngư lôi có thể bơi với tốc độ rất cao.
“Liên Xô bắt đầu thử nghiệm ngư lôi siêu khoang từ những năm 1960. Phiên bản hàng đầu hiện nay của Nga là VA-111 Shkval được đưa vào trang bị từ năm 1977”, tác giả bài viết trên tờ 19FortyFive lưu ý.
Shkval sử dụng công nghệ cho phép khí thải nóng của động cơ đẩy hướng thẳng vào mũi ngư lôi. Do đó trong quá trình di chuyển của quả đạn, nước biến thành hơi, tạo ra bọt khí làm giảm lực cản.
Công nghệ đằng sau ngư lôi siêu khoang phức tạp đến mức nó vẫn là một bí mật được Nga bảo vệ chặt chẽ nhằm duy trì ưu thế lớn cho tàu ngầm tấn công của mình.
Có thông tin cho rằng Mỹ đã cố gắng đánh cắp bí mật này. Năm 2000, một công dân Mỹ tên là Edmond Pope bị kết tội gián điệp liên quan đến thông tin mà anh ta thu thập được về những quả ngư lôi Shkval của Nga.
Kết quả là cho tới ngày nay Mỹ vẫn chưa thể phát triển loại ngư lôi siêu khoang của riêng mình. Tuy nhiên rất bất ngờ khi biết Iran đã làm được điều này, Tehran tuyên bố đã tạo ra loại đạn có tốc độ tương đương với Shkval của Nga.
Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có không ít nhận xét cho rằng Mỹ đơn giản là chưa muốn tạo ra một loại ngư lôi siêu khoang tương tự VA-111 Shkval khi nhận ra vũ khí này mang đầy nhược điểm, chứ chẳng phải do công nghệ của họ.
Yếu tố đầu tiên phải nói đến chính là tầm bắn của Shkval quá ngắn, tối đa chỉ đạt 6,85 km, buộc tàu ngầm phải áp sát đối phương mới có thể ra đòn. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm do các chiến hạm hiện đại đều có hệ thống định vị thủy âm tối tân cùng vũ khí chống ngầm cực kỳ uy lực.
Thứ hai, chính công nghệ siêu khoang tạo vận tốc vượt trội lại khiến cho ngư lôi không thể thiết lập mối liên lạc hai chiều, khi tín hiệu radio bị cản lại ở bên ngoài, không thể xuyên qua bọt khí.
Ngư lôi phải phụ thuộc vào việc ước lượng tọa độ mục tiêu trước khi phóng, độ linh hoạt của nó cũng cực kỳ kém, do một cú chuyển hướng gấp sẽ phá vỡ bong bóng siêu khoang.
Thứ ba, tính bí mật của ngư lôi Shkval hoàn toàn không có, do nó tạo ra tiếng ồn cực lớn và hình thành đường bọt khí nổi trên mặt nước rất dễ quan sát.
Cuối cùng, đơn giá của ngư lôi Shkval được cho là cao hơn đáng kể so với những loại thế hệ cũ hơn, trong khi ưu điểm chưa đến mức vượt trội để đánh đổi.