Mỹ kiện TikTok vi phạm quyền riêng tư của trẻ em

Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) đã đệ đơn kiện dân sự chung đối với TikTok do nền tảng này vi phạm Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư trẻ em trực tuyến, CNN đưa tin ngày 3/8.

Trong đơn kiện, bên nguyên đơn cáo buộc TikTok đã thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân của trẻ em dưới 13 tuổi mà không có sự đồng ý của phụ huynh, ngay cả khi tài khoản ở chế độ “trẻ em”. Cùng với đó, TikTok đã không tuân thủ các yêu cầu của phụ huynh khi muốn xóa bỏ tài khoản và dữ liệu của trẻ em trên nền tảng này.

Điều này vi phạm nghiêm trọng Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư trẻ em trực tuyến (COPPA), trong đó cấm các trang thông tin điện tử thu thập thông tin cá nhân của trẻ em dưới 13 tuổi mà không có sự cho phép của phụ huynh.

“TikTok cố tình và liên tục vi phạm quyền riêng tư của trẻ em, đe dọa sự an toàn của hàng triệu trẻ em,” bà Lina Khan, Chủ tịch FTC cho biết.

TikTok bị kiện vì đã thu thập dữ liệu cá nhân của hàng triệu trẻ em dưới 13 tuổi mà không có sự đồng ý của phụ huynh.

TikTok bị kiện vì đã thu thập dữ liệu cá nhân của hàng triệu trẻ em dưới 13 tuổi mà không có sự đồng ý của phụ huynh.

Về phía TikTok, phát ngôn viên Alexander Haurek phủ nhận các cáo buộc và khẳng định rằng công ty đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, đặc biệt là trẻ em. Tik Tok cam kết công ty sẽ tiếp tục chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của mình và của người dùng.

Trong một diễn biến liên quan, năm 2019, Chính phủ Mỹ đệ đơn kiện đối với một ứng dụng có tên Musical.ly căn cứ theo COPPA. ByteDance sau đó đã mua và sáp nhập ứng dụng này vào TikTok. Theo các quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ, vụ kiện đó khiến TikTok phải thực hiện các bước để tuân thủ đạo luật về quyền riêng tư của trẻ em.

TikTok đang đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng của phương Tây vì những lo ngại rằng ứng dụng sẽ thu thập dữ liệu người dùng, truyền bá thông tin sai, độc hại. Lệnh cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị công đã có hiệu lực tại nhiều nước như Canada, Đan Mạch, Bỉ, Nepal và Australia.

Trước đó, ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua dự luật yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok hoặc dừng hoạt động tại Mỹ, có thời hạn cuối là ngày 19/1/2025. Tuy nhiên, Tổng thống Biden có thể mở rộng thời hạn này thêm 3 tháng nếu xác định được ByteDance đang đạt được những tiến bộ nhất định. Nếu ByteDance không chấp nhận làm như vậy, TikTok sẽ bị loại bỏ khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google ở Mỹ.

Ngay sau đó, ngày 25/4, ByteDance khẳng định, công ty không có kế hoạch bán ứng dụng TikTok. Giải thích về quyết định, đại diện ByteDance cho biết, các thuật toán mà TikTok đang sử dụng được xem là cốt lõi đối với hoạt động tổng thể của ByteDance. Bởi vậy, gần như chắc chắn công ty Trung Quốc sẽ không bán ứng dụng với những thuật toán đi kèm.

Hơn nữa, TikTok chỉ đóng góp phần nhỏ trong tổng doanh thu của ByteDance. Vì vậy, trong trường hợp xấu nhất xảy ra, việc đóng cửa ứng dụng này tại Mỹ cũng không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của ByteDance.

Thị trường Mỹ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu TikTok năm ngoái. Năm 2023, doanh thu ByteDance đạt 120 tỷ USD, tăng từ 80 tỷ USD của một năm trước đó. Người dùng hằng ngày (DAU) của TikTok tại Mỹ chỉ chiếm khoảng 5% tổng DAU của ByteDance.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/my-kien-tiktok-vi-pham-quyen-rieng-tu-cua-tre-em-31994.html