Mỹ: Kinh doanh trực tuyến méo mặt vì phí giao hàng
Khi xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng thịnh hành, các nhà hàng và các siêu thị tại Mỹ buộc phải chạy theo để đón bắt nhu cầu nhưng chi phí giao những hộp đồ ăn và thực phẩm đến tận cửa nhà của khách hàng đang khiến họ méo mặt, theo Wall Street Journal.
Bán đồ ăn, thực phẩm trực tuyến: Không dễ “xơi”
Một thực khách ở TP. Denver, bang Colorado (Mỹ) có thể đặt một chiếc bánh mì kẹp thịt nướng kiểu Cuba giá 9,99 đô la từ chuỗi nhà hàng Panera Bread và được giao trong vòng 30 phút.
Vấn đề đối với Panera Bread là chi phí mỗi lần giao hàng như vậy tốn khoảng 5 đô la nhưng để tránh mất khách, chuỗi nhà hàng này vẫn tiếp tục tính mức phí giao hàng cố định 3 đô la cho mỗi đơn hàng ở hầu hết các thị trường ở Mỹ. Điều này có nghĩa là Panera Bread phải tìm cách bán các đơn hàng trực tuyến thật nhiều để bù đắp chi phí giao hàng.
Panera Bread cho biết công ty chỉ đang có lãi ở một vài thị trường ở mảng bán đồ ăn trực tuyến.
Chi phí giao thực phẩm đắt đỏ là một bài toán hóc búa đối với các nhà hàng, siêu thị và các nhà đầu tư ở Mỹ. Họ đã chi hàng tỉ đô la để xây dựng các dịch vụ giao thực phẩm tươi và đồ ăn nhưng hầu hết các đơn hàng đặt mua trực tuyến vẫn chưa mang lại lợi nhuận cho họ. Họ đang cắn răng chịu lỗ để phát triển mảng kinh doanh trực tuyến.
Trong báo cáo lợi nhuận quí 4-2018 công bố hôm 7-3, chuỗi siêu thị lớn nhất Mỹ Kroger cho biết lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do công ty phải đầu tư hàng trăm triệu đô la cho mảng kinh doanh bán hàng trực tuyến.
Các chuỗi siêu thị tên tuổi như Kroger, Target và Walmart đã chi hàng tỉ đô la để phát triển hệ thống giao hàng của riêng họ thông qua các vụ thâu tóm và đầu tư. Đó là lý do biên lợi nhuận họ bị tổn thương trong những quí gần đây.
Doanh thu bán hàng trực tuyến của Walmart đang chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng nhưng chuỗi siêu thị này dự báo mảng kinh doanh này sẽ lỗ lớn hơn trong năm 2019.
Dù các đơn hàng giao đến tận nhà khách hàng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu thực phẩm hàng năm ở Mỹ, các nhà hàng và siêu thị kỳ vọng khách hàng trực tuyến ngày càng tăng vì hiện nay, không chỉ người dân ở thành phố lớn mà ngay cả ở các vùng ngoạị và các khu vực đô thị nhỏ đều dần chuyển sang mua thực phẩm trực tuyến.
Doanh thu thực phẩm bán qua kênh trực tuyến ở Mỹ được dự báo tăng lên 86 tỉ đô la vào năm 2022 so với mức 17 tỉ đô la vào năm 2017, theo một báo cáo của Ngân hàng USB (Thụy Sĩ). Công ty đầu tư William Blair & Co. dự báo doanh thu các đơn hàng trực tuyến của các nhà hàng ở Mỹ sẽ tăng lên 62 tỉ đô la vào năm 2022 so với 25 tỉ đô la hiện nay.
Các nhà hàng và siêu thị đang đối mặt với những vấn đề giống nhau. Họ đang phụ thuộc vào lượng khách hàng mua trực tiếp và bị tụt lại đằng sau các nhà bán lẻ khác trong cuộc chạy đua áp dụng công nghệ mua sắm trực tuyến. Họ đang kinh doanh với các mức biên lợi nhuận thấp, thường là 15-19% đối với các nhà hàng và 1-3% đối với các siêu thị.
Cuộc khảo sát của công ty tư vấn Capgemini cho thấy các siêu thị tốn trung bình 10 đô la để giao một đơn hàng thực phẩm nhưng họ chỉ thu 8 đô la của khách vì nếu tính phí giao hàng cao hơn, khách có thể tẩy chay họ. Chỉ 1% trong số 2.874 khách hàng được khảo sát nói rằng họ sẵn sàng trả đầy đủ chi phí giao hàng. Và khoảng 85% người tiêu dùng không sẵn sàng trả cao hơn 5 đô la cho chi phí giao một đơn hàng đồ ăn từ nhà hàng, theo khảo sát của công ty cung cấp phần mềm đặt mua hàng trực tuyến Tillster.
Chuyển sang sử dụng dịch vụ giao hàng bên ngoài
Để giao thực phẩm, các siêu thị phải đóng gói các đơn hàng cẩn thận và vận chuyển bằng những xe tải đông lạnh. Điều này khiến chi phí giao hàng chặng cuối trở thành một hành trình đắt đỏ. Các nhà hàng cũng phải đóng gói các suất ăn trong những hộp được thiết kế đặc biệt và phải giao trong một khung thời gian ngắn.
Theo công ty tư vấn NPD Group, gần 1/3 các bữa ăn nhà hàng trong năm ngoái được giao đến nhà khách hàng, tăng 2% so với năm trước đó nhưng trong cùng kỳ, các bữa ăn tại nhà hàng không tăng trưởng.
Rất ít các chuỗi nhà hàng đủ sức gánh nổi chi phí giao hàng nếu họ tự thực hiện do phải tốn nhiều chi phí để phát triển công nghệ đặt mua trực tuyến và thuê tài xế giao hàng. Để có lợi nhuận, các nhà hàng cần nâng lượng đơn hàng trực tuyến lên mức 25-30% tổng đơn hàng của họ.
Để giảm bớt chi phí giao hàng, nhiều nhà hàng phải hợp tác với các dịch vụ giao đồ ăn và thực phẩm như Grubhub, DoorDash, Uber Eats.
Grubhub, công ty khởi nghiệp được định giá 7 tỉ đô la ở Chicago, cho phép các thực khách đặt các món ăn từ hơn 105.000 nhà hàng ở hơn 2.000 thành phố ở Mỹ và London. Do đầu tư cho các chiến dịch quảng cáo và chi tiền tuyển dùng tài xế giao hàng và thu hút thực khách ở các thị trường mới, Grubhub báo lỗ trong quí 4-2018. Lợi nhuận mỗi đơn hàng mà Grubhub giao trong quí 4 chỉ là 0,98 đô la, giảm so với mức 1,57 đô la trong quí 3.
Các siêu thị cũng bắt đầu chuyển sang sử dụng các công ty giao hàng bên ngoài bao gồm Instacart và Shipt. Các công ty này cho phép người mua sắm đặt mua thực phẩm từ nhiều siêu thị nằm trong một khu vực và sau đó sẽ thuê các tài xế làm việc tự do giao hàng đến tận nhà cho khách.
Các bên giao hành thứ ba đang xử lý khoảng 50% đơn hàng của thị trường thực phẩm trực tuyến và 52% đơn hàng trực tuyến từ các nhà hàng ở Mỹ. Các siêu thị và nhà hàng phải trả cho các dịch vụ giao hàng bên ngoài mức phí trung bình khoảng 10-25% giá trị mỗi đơn hàng.
Chánh Tài