Mỹ là nước hưởng lợi trong công cuộc kiểm soát tiền điện tử của Trung Quốc
Trung Quốc đã từng là vua của các mỏ tiền điện tử nhưng với những quy định kiểm soát chặt chẽ về hoạt động khai thác tiền điện tử được các nhà chức trách ban bố trong năm nay đã làm thay đổi điều đó.
Vào tháng 9/2019, Trung Quốc chiếm tới 75% hoạt động khai thác Bitcoin trên toàn thế giới, nhưng vào tháng 5/2021, Chính phủ Trung Quốc đã nhận thấy mối đe dọa của tiền điện tử với hệ thống tài chính của đất nước và đã tuyên bố sẽ ngừng hoạt động của ngành này.
Vào tháng 7/2021, các hoạt động khai thác tiền điện tử chính thức ở Trung Quốc đã bị xóa sổ. Các nhà chức trách được cho là đang kiểm soát các hoạt động khai thác tiền điện tử nhỏ hơn, bất hợp pháp khiến các thợ đào Bitcoin không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời đi. Và những hoạt động khai thác tiền điện tử này đã dịch chuyển tới các quốc gia nào?
Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge (CCAF), một bộ phận của trường kinh doanh của Đại học Cambridge đã dựa vào chỉ số tiêu thụ điện Bitcoin và theo dõi địa chỉ IP của các nhà khai thác kết nối với máy chủ của các “nhóm” khai thác bitcoin, đây là các nhóm lớn thợ đào hợp lực để tối đa hóa cơ hội giải các câu đố về tiền điện tử.
Dữ liệu của CCAF cho thấy tỷ lệ băm (hash rate) của Trung Quốc, một thông số đại diện cho sức mạnh tính toán và đo lường khả năng giải thuật toán của thiết bị đào tiền mã hóa, trong đó có Bitcoin đã giảm từ 79,5 exahash mỗi giây (EH/s) vào đầu năm xuống 0 vào tháng 7.
Trong khi đó, tại Mỹ, tỷ lệ băm hàng tháng vào tháng 8/2021 cao hơn 722% so với một năm trước đó. Mỹ hiện là điểm đến hàng đầu thế giới để khai thác Bitcoin, chiếm hơn 1/3 tỷ lệ băm toàn cầu. Trước đó, từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, khoảng thời gian mà Trung Quốc bắt đầu đưa ra những chính sách nghiêm ngặt để kiểm soát hoạt động khai thác bitcoin, tổng tỷ lệ băm toàn cầu đã giảm khoảng 25%.
Ngoài ra, Kazakhstan và Nga cũng đã trở thành những địa điểm phổ biến đối với hoạt động khai thác tiền điện tử khi chiếm lần lượt 18% và 11% thị phần toàn cầu. Đặc điểm chung của các quốc gia này là giá điện rẻ vì quá trình khai thác bitcoin tiêu tốn nhiều điện hơn mỗi năm so với tổng công suất tiêu thụ của Philippines hoặc Phần Lan.
Tuy nhiên, dữ liệu cũng đưa ra một số điểm đến không phù hợp. Điển hình là Ireland và Đức vì có rất ít bằng chứng cho thấy các quốc gia này đã tăng cường khai thác tiền điện tử, nhưng tỷ lệ băm của các quốc gia này đã tăng lần lượt là 46% và 17% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay.
Điều đó có thể lý giải là do các tỷ lệ băm Trung Quốc định tuyến lại lưu lượng truy cập của họ thông qua các mạng riêng của châu Âu để tránh sự kiểm soát của nhà chức trách Trung Quốc.
Nhưng rõ ràng là trung tâm khai thác Bitcoin toàn cầu đang thay đổi. Khi nói đến các thước đo truyền thống của hoạt động kinh tế như GDP thì có thể thấy rằng Trung Quốc đang bắt kịp Mỹ. Tuy nhiên trong nền kinh tế tiền điện tử, Mỹ đang chạy đua về phía trước.