Mỹ là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất 24 giờ qua

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ ngày 4/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 265.135.825 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.257.385 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 238.865.484 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 808.059 ca tử vong trong tổng số 49.870.747 ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với 470,.254 ca tử vong trong số 34.624.065 ca mắc; Brazil với 615.454 ca tử vong trong số 22.129.409 ca mắc.

Mỹ là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất trong vòng 24 giờ qua, với 140.132 ca trong tổng số 680.686 ca mắc mới trên toàn thế giới. Tiếp đó là Đức và Anh lần lượt có thêm 70.681 ca và 50.584 ca.

Biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 tiếp tục gây lo ngại khi có thêm nhiều quốc gia ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể này. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Omicron đã xuất hiện tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngày 3/12, giới chức y tế Mexico đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Bệnh nhân 51 tuổi, đến từ Nam Phi, xuất hiện triệu chứng nhẹ và đã tự nguyện nhập viện tại thủ đô Mexico City để tránh lây lan. Hiện, bệnh nhân có tiên lượng hồi phục khả quan. Bộ Y tế Mexico kêu gọi người dân giữ bình tĩnh và tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng dịch.

Tunisia cũng ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Ca mắc là một nam giới 23 tuổi, công dân của một quốc gia châu Phi Nam Sahara, đang cách ly tại một khách sạn tại địa phương sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Canada ngày 3/12 thông báo đã ghi nhận 15 ca nhiễm biến thể Omiron. Các ca nhiễm này đều là trường hợp nhập cảnh và hầu hết từng đến châu Phi, đặc biệt trong đó có trẻ em dưới 12 tuổi. Cơ quan y tế công cộng Canada (PAHA) cảnh báo nguy cơ các ca bệnh chuyển nặng gia tăng tại nước này và xu hướng này chỉ dừng lại khi Canada kiềm chế số ca mắc mới.

Trong khi đó, Ireland đã siết chặt các biện pháp kiểm dịch trước thềm Giáng sinh trong bối cảnh số ca mắc mới tại nước này tăng mạnh. Cụ thể, các câu lạc bộ ban đêm phải đóng cửa, các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng trở lại tại tất cả quán bar, nhà hàng, khách sạn. Các địa điểm như vui chơi giải trí, văn hóa và thể thao chỉ được hoạt động 50% công suất và những người tham gia buộc phải đeo khẩu trang... Các quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 7/12/2021 đến ngày 9/1/2022.

Thủ tướng Ireland Micheal Martin khẳng định nước này sẽ không tái áp đặt các biện pháp phong tỏa trên diện rộng.

Trước đó, chính phủ nước này đã yêu cầu người dân làm việc từ xa từ giữa tháng 11 do số ca mắc mới và tỉ lệ nhập viện tăng cao. Ireland ngày 3/12 ghi nhận 5.419 ca mắc mới, tăng đột biến so với tuần trước đó. Ireland là một trong số quốc gia có tỉ lệ tiêm vắc xin cao nhất châu Âu với khoảng 90% người dân từ 12 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều.

Cũng tại châu Âu, Chính phủ Bỉ đã tiến hành phiên họp khẩn cấp hôm 3/12 để quyết định về các biện pháp cần thiết mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh diễn biến tồi tệ hơn. Một trong những biện pháp là yêu cầu tất cả học sinh từ 6 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang tại lớp học, do tốc độ lây nhiễm bệnh ở nhóm đối tượng ngày càng tăng cao.

Ngoài ra, các lớp học phải trang bị thiết bị đo lượng khí CO2 và phải dừng hoạt động nếu có từ 2 trường hợp mắc bệnh trở lên. Các biện pháp này sẽ được áp dụng kể từ ngày 6/12. Chính phủ Bỉ cũng ban hành lệnh cấm các sự kiện có từ 4.000 người trở lên từ ngày 4/12 và cấm các buổi hòa nhạc lớn cùng các sự kiện tổ chức trong nhà có quy mô từ 200 người kể từ ngày 6/12.

Những sự kiện nhỏ vẫn được tổ chức nhưng bắt buộc người tham gia phải đeo khẩu trang, có chứng nhận an toàn với COVID-19 và đảm bảo giãn cách. Đối với các sự kiện công cộng ngoài trời, ban tổ chức phải chịu trách nhiệm quản lý và giám sát nghiêm ngặt.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 vẫn ở mức rất cao và tỉ lệ nhiễm mới tại nhiều nơi luôn chạm mốc cao kỷ lục mới, nhiều bang ở Đức đã siết chặt các biện pháp phòng ngừa đại dịch. Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, kể từ ngày 4/12, bang Nordrhein-Westfalen sẽ áp đặt nhiều biện pháp tăng cường để giảm xu hướng lây nhiễm cũng như phòng ngừa các nguy cơ từ biến thể Omicron.

Các câu lạc bộ và vũ trường sẽ bị đóng cửa. Người chưa tiêm chủng sẽ chỉ được gặp tối đa 2 người ngoài gia đình và chỉ được đi mua hàng phục vụ các nhu cầu hằng ngày. Các sự kiện lớn phải tuân thủ quy tắc 2G (đã tiêm, đã khỏi bệnh).

Ngoài giới hạn về sức chứa, các sự kiện trong không gian kín sẽ bị giới hạn tối đa 5.000 người tham gia, ngoài trời là 15.000 người. Theo đó, trận đấu ở giải Bundesliga giữa Borussia Dortmund và FC Bayern München tối 4/12 chỉ cho phép tối đa 15.000 khán giả vào sân. Nếu trận cầu này diễn ra ở München thì sẽ không có khán giả được vào sân.

Bang Baden-Württemberg cũng tăng cường các biện pháp phòng COVID-19 lên cấp độ báo động II, các sự kiện lớn chỉ cho phép tối đa 750 người tham gia (bao gồm các sự kiện văn hóa, thể thao), trong khi các sự kiện quy mô nhỏ hơn chỉ cho phép sức chứa 50% so với thông thường. Tất cả các nhà hàng phải đảm bảo quy tắc 2G plus (đã tiêm, đã khỏi bệnh vẫn cần làm xét nghiệm). Tuy nhiên, những người đã tiêm mũi tăng cường từ ngày 4/12 sẽ không phải làm xét nghiệm thêm.

Cùng ngày 3/12, Chính phủ Đức đã đưa Ba Lan và Thụy Sĩ vào danh sách các nước có nguy cơ cao đối với COVID-19. Theo đó, từ ngày 5/12, những người từ hai nước này nhập cảnh Đức phải cách ly 10 ngày, trừ các trường hợp đã tiêm đủ hoặc đã khỏi bệnh. Liechtenstein, Jordan và Mauritius cũng được xếp vào những khu vực có nguy cơ cao trong khi Thái Lan, Uzbekistan và St. Vincent và Grenadines ở Caribe được đưa ra khỏi danh sách rủi ro này.

Theo số liệu ghi nhận từ các bang tối 3/12, trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận 71.905 ca nhiễm mới và 415 ca tử vong. Số ca tử vong trung bình trong tuần qua ở mức cao nhất kể từ tháng 3/2021. Nơi đang có chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân cao nhất ở Đức là huyện Mittelsachsen (bang Sachsen) với 2.062,5, so với mức trung bình trên cả bang là 1.209,4.

Ngày 4/12, Quần đảo Cook (Cook Islands) đã ghi nhận ca đầu tiên mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, trong bối cảnh quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương này chuẩn bị mở cửa trở lại đón khách du lịch.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Mark Brown cho biết ca mắc COVID-19 đầu tiên tại quốc đảo này là một bé trai 10 tuổi, đang cách ly sau khi nhập cảnh từ một chuyến bay hồi hương cùng gia đình ngày 2/12.

Cậu bé này được cho là từ New Zealand về nước. Thủ tướng Brown nêu rõ: "Chúng tôi đã chuẩn bị cho thời điểm mở cửa biên giới trở lại. Các cơ chế xét nghiệm của chúng tôi đã chứng tỏ hiệu quả của công tác chuẩn bị này khi phát hiện ca nhiễm ngay ở biên giới”.

Trong khi đó, Singapore đã quyết định thắt chặt hơn nữa cơ chế xét nghiệm đối với với những người nhập cảnh qua Làn đi lại cho người đã tiêm vắc xin (VTL), đồng thời đóng cửa đường biên với thêm 3 quốc gia, nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 xâm nhập nước này.

Phóng viên TTXVN tại Singapore dẫn thông báo của Bộ Y tế nước này cho biết kể từ ngày 7/12, tất cả du khách nhập cảnh Singapore qua làn VTL sẽ phải thực hiện thêm các xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) hằng ngày. Họ sẽ phải tự làm xét nghiệm và cập nhật kết quả xét nghiệm theo đường link đã được cung cấp.

Bộ Y tế cho biết các quy định xét nghiệm tăng cường này sẽ được duy trì trong ít nhất trong 4 tuần, đến hết ngày 2/1/2022. Như vậy, ngoài việc tới các trung tâm chỉ định để xét nghiệm vào ngày thứ 3 và thứ 7 sau khi nhập cảnh, du khách sẽ phải tự làm xét nghiệm và chỉ được ra khỏi nơi cư trú nếu có kết quả âm tính.

Ngoài ra, Singapore cũng đóng cửa đường biên giới với Ghana, Malawi và Nigeria. Du khách có lịch sử tới 3 quốc gia này sẽ không được nhập cảnh hay quá cảnh tại Singapore bắt đầu từ ngày 5/12. Đến nay, Singapore đã ghi nhận 2 ca nhiễm biến thể Omicron là người nhập cảnh.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/268222/my-la-quoc-gia-ghi-nhan-so-ca-mac-moi-covid-19-nhieu-nhat-24-gio-qua.html