Mỹ lạc quan về hòa đàm Armenia-Azerbaijan
Ngoại trưởng Antony Blinken cho rằng các cuộc trao đổi giữa đại diện hai nước tại Washington D.C. đã đạt 'tiến bộ rõ rệt' và mọi thứ nằm trong tầm tay.
Phát biểu ngày 4/5, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Armenia và Azerbaijan đã thảo luận một số vấn đề rất gai góc vài ngày qua và họ đã đạt được tiến bộ rõ rệt về một thỏa thuận hòa bình lâu dài. Tôi nghĩ, việc đạt được thỏa thuận đó không chỉ mang tính lịch sử mà còn đem lại lợi ích sâu sắc cho nhân dân hai nước”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Azerbaijan ra thông cáo xác nhận Baku và Yerevan đã đạt đượchiểu biết về một số điểm của thỏa thuận hòa bình song phương tương lai đàm phán ở Mỹ: “Các bộ trưởng và thành viên của các phái đoàn tháp tùng đã đạt được thỏa thuận chung về một số điều khoản của dự thảo thỏa thuận song phương ‘Về hòa bình và thiết lập quan hệ giữa các quốc gia’, nhưng đồng thời thừa nhận quan điểm về một số vấn đề chính vẫn còn khác biệt”.
Trước đó, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov tiến hành đàm phán suốt 4 ngày qua tại Washington D.C. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào nhằm chấm dứt tình trạng xung đột lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ.
Trong một tin liên quan, tuần trước, Armenia đã dựng tượng đài tưởng niệm tại thủ đô Yerevan để ghi công các thành viên trong nhóm thực hiện “Chiến dịch Nemesis” hồi những năm 1920 nhằm truy lùng và ám sát những người được cho là đứng đằng sau “nạn diệt chủng” Armenia trong Thế chiến I. Ngay sau đó, ngày 3/5 và 4/5, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng không phận với Armenia để phản đối.
Phát biểu trên sóng truyền hình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nêu rõ: “Hành động dựng tượng đài ở Yerevan để vinh danh Chiến dịch Nemesis là không thể chấp nhận được”. Đồng thời, ông cũng cảnh báo sẽ triển khai thêm hành động trả đũa nếu Armenia không dỡ bỏ tượng đài vừa nêu.
Thời gian vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia đã có nhiều bước tiến nhằm cải thiện quan hệ song phương sau xung đột Nargono-Karabakh hồi năm 2020. Hai bên đã nối lại các chuyến bay thẳng và đang xúc tiến mở một hành lang xuyên biên giới giành cho các công dân của nước thứ ba.
Tuy nhiên, trước đó, quan hệ song phương vẫn tồn tại nhiều căng thẳng. Yerevan cho rằng tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ, Đế chế Ottoman, đã tiến hành “nạn diệt chủng” với người Armenia trong Thế chiến I, song Ankara bác bỏ cáo buộc này.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-lac-quan-ve-hoa-dam-armenia-azerbaijan-225921.html