Quân đội Ukraine sẽ tiếp nhận máy bay không người lái trinh sát và tấn công "Đại bàng xám" MQ-1C Grey Eagle của Mỹ ở dạng hiện đại hóa và đã thay đổi các thiết bị có nguy cơ gây hại cho Washington nếu chẳng may lọt vào tay đối phương.
Hãng tin CNN sau khi tham khảo nguồn tin cấp cao trong Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ từng từ chối cung cấp UAV MQ-1C Grey Eagle cho Ukraine, lý do chính là họ lo ngại chiếc máy bay cùng với "công nghệ bí mật" rơi vào tay Nga, từ đó đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.
Tuy nhiên có một cách để thoát khỏi tình trạng này và hiện đang được Lầu Năm Góc thực hiện đó là sửa đổi máy bay không người lái theo cách mà chúng sẽ không còn là phương tiện mang những "công nghệ bí mật", sau đó có thể được chuyển giao cho Ukraine.
"Lầu Năm Góc đang tìm cách sửa đổi máy bay không người lái để làm cho tổn thất có thể xảy ra, cùng với công nghệ nhạy cảm trở nên ít nguy hiểm hơn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao", hãng tin CNN nhấn mạnh.
Quốc hội Mỹ cũng xác nhận thông tin này, thậm chí còn thông báo rằng đã có các giải pháp kỹ thuật cụ thể giúp máy bay không người lái "an toàn để chuyển giao", nhưng mọi thứ phụ thuộc vào thời gian và tiền bạc, và đây cũng là một quá trình rất tốn công sức.
Nói chung phải mất khá nhiều thời gian và tiền bạc để tạo ra thứ gì đó đáng giá từ một máy bay không người lái công nghệ cao. Hiện tại Lầu Năm Góc đang quyết định xem hành động này có xứng đáng hay không và cuối cùng điều gì sẽ xảy ra.
MQ-1C Gray Eagle "Đại bàng xám" là máy bay không người lái được Tập đoàn quốc phòng General Atomics của Mỹ phát triển trong những năm 2000 và đưa vào trang bị chính thức từ năm 2009.
Chiếc máy bay không người lái trinh sát - tấn công này có kích thước khá lớn với chiều dài 8,53 m; sải cánh rộng 17 m; chiều cao 2,1 m; trọng tải cất cánh tối đa đạt 1.633 kg.
Chiếc MQ-1C được trang bị một động cơ cánh quạt Thielert Centurion 1.7 có công suất 165 mã lực, nhờ vậy nó có thể bay với vận tốc tối đa lên tới 309 km/h. Trần bay của chiếc UAV này đạt hơn 8.839 m.
Theo Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Northrop Grumman, MQ-1C được lắp radar AN/ZPY-1 STARLite có khả năng phát hiện mục tiêu di động như người đi bộ trên mặt đất ở khoảng cách lên tới 8 km.
MQ-1C được lắp 4 giá treo dưới cánh và có thể mang theo các loại tên lửa không đối không AIM-92 Stinger, không đối đất AGM-114 Hellfire hoặc các loại bom như GBU-44/B Viper Strike… tùy theo nhiệm vụ tác chiến.
Ukraine đã sử dụng một số loại UAV tầm ngắn hơn để chống lại Quân đội Nga kể từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2, bao gồm RQ-20 Puma AE do công ty Mỹ AeroVironment chế tạo và mẫu Bayraktar-TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển.
So với Bayraktar-TB2, MQ-1C Gray Eagle tỏ ra vượt trội khi tương thích với nhiều loại đạn dược công nghệ cao hơn, cũng như có khả năng hoạt động ở độ cao lớn và tầm xa hơn nhiều.
Nếu MQ-1C Gray Eagle xuất hiện trên chiến trường Ukraine, dự báo Quân đội Nga sẽ gặp phải rất nhiều rắc rối tiềm tàng.
Bạch Dương