Mỹ lại lùi dự báo suy thoái
Ngồi ở sân bay Heathrow đợi bay đi Phần Lan ngày 23-5, tôi đọc được bài báo 'Giới chuyên gia tin chắc kinh tế Mỹ sắp suy thoái'.
Chỉ cuối tuần lễ đó, khi vừa trở về từ Phần Lan, và sau khi Mỹ công bố số liệu thị trường việc làm tăng trưởng tốt hơn dự đoán, tôi lại đọc được nhận định “Kinh tế Mỹ khó suy thoái trong năm nay”.
Cả 2 tin đó đều được đăng trên cùng một tờ báo. Bạn không thể không bật cười với pha “quay xe” như vậy.
Đợt suy thoái đã đến vẫn chưa thấy tới
Vấn đề là không chỉ có truyền thông “quay xe”, mà ngay cả Ngân hàng Thế giới (WB) vừa nâng dự báo GDP từ mức 1,7% lên 2,1%, chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi tổ chức này cảnh báo kinh tế thế giới sẽ suy giảm đáng kể vào tháng 3 năm nay, và cho rằng có rủi ro thế giới sẽ đi vào một “thập kỷ mất mát”.
Trong cùng một bài báo đó trên New York Times, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng chỉ ra rằng rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu cũng sẽ tăng lên.
Ở một góc độ nào đó, WB và IMF không sai. Bởi sau cảnh báo của IMF là vụ việc ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse đứng trước việc bị rút tiền ào ạt và phải bị mua lại, và thêm vài ngân hàng khu vực của Mỹ đổ vỡ. Đồng thời, nền kinh tế lớn nhất EU là Đức chính thức đi vào suy thoái khi có quý thứ hai tăng trưởng âm liên tiếp.
Chỉ số theo dõi thương mại toàn cầu Bloomberg vẫn toàn màu đỏ với đỉnh điểm của tháng 5 là “6 trên 10 chỉ số đều đỏ”, điều mà các nhà phân tích của Bloomberg gọi là một “hòn tuyết lăn” - phản ánh sự suy giảm thương mại toàn cầu diện rộng, mặc dù việc đình trệ trong vận chuyển đường biển đã được giảm thiểu rất nhiều và chi phí nguyên liệu thô đã giảm đáng kể.
Mọi việc dường như đi đúng dự báo bi quan cho đến những ngày cuối tháng 5, khi số liệu lao động của Mỹ lại làm giới phân tích bất ngờ một lần nữa: Số lượng việc làm mới được tạo ra 339.000 công việc. Con số này không chỉ lớn hơn cả các dự báo lạc quan nhất, mà còn là số việc làm mới tăng thêm hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2019.
Quan trọng hơn, nếu như trong giai đoạn tháng 4, 5, ai cũng nói về rủi ro ngân hàng sụp đổ, thì sang tháng 6 dường như ai cũng quên mất điều đó. Chỉ số được cho là đo lường nỗi sợ của thị trường tài chính VIX giảm về mức trước Covid-19 sau khi vở kịch về trần nợ công hạ màn, và hiện nay trượt sâu xuống dưới mốc 15 - điều mà những nhà giao dịch nhỏ lẻ chỉ bắt đầu chơi cổ phiếu từ năm 2020 chưa từng nhìn thấy (và do vậy nhiều người đã “bắt đáy” sai).
Vở kịch trần nợ công ở Mỹ hạ màn trong khi không thấy có ngân hàng nào khác đổ vỡ, khiến ngày càng nhiều người tin rằng kinh tế Mỹ sẽ không đi vào suy thoái trong năm 2023, khác với niềm tin của nhiều người vào đầu 2023.
Nhận định của ông Mark Zandi, kinh tế trưởng của Moody’s Analytics: “Nền kinh tế này vững mạnh một cách đáng ngạc nhiên, bất chấp những rủi ro từ cuộc khủng hoảng ngân hàng, lãi suất tăng và khủng hoảng trần nợ công”. Chuyên gia David Kelly của JP Morgan thì thận trọng hơn: “Vẫn có thể xảy ra suy thoái, nhưng xác suất suy thoái mạnh đã giảm nhiều”. Và một vài quan điểm cho rằng kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh mềm” lại được xuất hiện trở lại trên truyền thông.
Suy thoái có thể lùi về 2024
Với những diễn biến mới nhất về dữ liệu kinh tế, những người vẫn bi quan về kinh tế Mỹ đã buộc phải đẩy dự báo suy thoái vào cuối 2023 và đầu 2024. Dự đoán về suy thoái kinh tế vẫn có thể là đúng khi mà số liệu về doanh nghiệp phá sản vẫn tăng lên. Bed Bath & Beyond - doanh nghiệp niêm yết tên tuổi của Mỹ, vừa xin bảo hộ phá sản vào cuối tháng 4.
Công ty xếp hạng tín nhiệm S&P dự báo tỷ lệ vỡ nợ các khoản vay của doanh nghiệp có hạn mức tín nhiệm thấp ở Mỹ sẽ tăng từ 2,5% lên 4%. Con số này thấp hơn mức hơn 10% của giai đoạn 2007-2009 và trên 6% của giai đoạn Covid-19. Khác với giai đoạn Covid-19, sẽ không có lãi suất gần 0%, không có “tiền trực thăng” của chính phủ và không có cho trì hoãn trả nợ.
Vì vậy vẫn còn nhiều chuyên gia duy trì niềm tin rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái. Khoảng 59% trong số 42 chuyên gia kinh tế được Hiệp hội Quốc gia Các nhà kinh tế học doanh nghiệp (NABE) khảo sát trong tháng 5-2023, dự báo Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái trong 12 tháng tới. Nếu nhìn vào những kết quả này, số người dự báo kinh tế Mỹ sẽ đi vào suy thoái vẫn chiếm đa số.
Nhưng cuộc suy thoái mà nhiều người chờ đợi vẫn chưa diễn ra, và các chỉ số được cho là dự báo suy thoái như đảo ngược đường cong lợi suất ngày một âm nhiều hơn, nhưng vẫn chưa ai thấy suy thoái. Bạn tôi, một nhà kinh tế cao cấp của một quỹ đầu tư ở London, nói: “Chim báo bão đã báo mấy tháng mà chỉ thấy gió nhẹ”. Mức đảo ngược lợi suất này hiện đang ở mức thấp nhất kể từ 1980, nhưng suy thoái thì… vẫn phải chờ.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào đồ thị so sánh mức độ đảo ngược của đường cong lợi suất trong các giai đoạn suy thoái, có thể nhận ra rằng có một độ trễ từ vài tháng tới, khi mà đường cong lợi suất bị đảo ngược (nghĩa là lợi suất trái phiếu 10 năm giảm xuống dưới lợi suất trái phiếu 3 tháng). Vì vậy, chưa chắc là sẽ không có suy thoái, mà có thể là suy thoái chưa đến mà thôi.
Một điều đáng chú ý là đa số các tổ chức bắt đầu chuyển sự bi quan sang 2024. Báo cáo của WB nâng dự báo tăng trưởng 2023, nhưng lại hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 còn 2,4%, giảm 0,3% từ mức dự báo 2,7% đưa ra hồi tháng 1. Theo báo cáo này, hiệu ứng trễ của việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và điều kiện tín dụng thắt chặt hơn sẽ khiến cho hoạt động đầu tư giảm sút.
Ngân hàng trung ương Australia và Canada vừa tăng lãi suất lên 0,25%, phần nào gây bất ngờ cho thị trường tài chính (dự đoán các ngân hàng trung ương không tăng lãi suất nữa), và phản ánh rằng các ngân hàng trung ương vẫn còn chưa chịu dừng tay với chính sách thắt chặt tiền tệ của mình.
Lãi suất tăng cao sẽ tác động đến nền kinh tế, chỉ là sớm muộn mà thôi. Còn nó có dẫn đến suy thoái hay không, và nếu có suy thoái tới mức độ nào thì vẫn phải chờ. Nhiều phán đoán hiện tại đều phải dựa trên một số giả định về hành động của chính sách tiền tệ và tài khóa các nước. Và đó là những biến số khó dự đoán nhất lúc này.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/my-lai-lui-du-bao-suy-thoai-post105435.html