Mỹ lại 'nóng' chuyện sở hữu súng đạn
Một số chuyên gia cho rằng luật kiểm soát súng đạn ở Mỹ nghiêm ngặt hơn có thể ngăn chặn các vụ xả súng vì kỳ thị chủng tộc trong tương lai
Người dân trên khắp nước Mỹ ngày 20-3 thể hiện sự tức giận với tình trạng bạo lực gia tăng nhằm vào cộng đồng người gốc Á và các đảo quốc Thái Bình Dương (AAPI) theo sau vụ xả súng kinh hoàng ở TP Atlanta, bang Georgia. Vụ xả súng xảy ra hôm 16-3 khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á.
Theo đài NBC News, các cuộc tuần hành diễn ra ở nhiều nơi, từ TP Atlanta, TP San Francisco (bang California) cho đến TP Pittsburgh (bang Pennsylvania). "Thật khó để giải thích khái niệm căm ghét cho các con của tôi… nhưng chúng phải có nhận thức rằng đã đến lúc ủng hộ cộng đồng" - ông Wayne Huang, người mang theo 2 con trai tham gia cuộc tuần hành ở TP New York, cho biết.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Stop AAPI Hate, cộng đồng AAPI tại Mỹ đã hứng chịu gần 3.800 vụ tấn công kỳ thị chủng tộc từ tháng 3-2020 đến cuối tháng 2-2021, trong đó 68% vụ xảy ra với nữ giới. Tổ chức này nhấn mạnh con số họ ghi nhận chỉ chiếm một phần nhỏ so với thực tế. Nhiều người hy vọng các cuộc tuần hành sẽ giúp giới lãnh đạo chính trị và công chúng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an toàn của cộng đồng AAPI tại Mỹ thời gian tới.
Một ngày trước khi làn sóng tuần hành diễn ra, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã đến TP Atlanta để chia buồn, động viên cộng đồng người gốc Á. "Không có chỗ cho lòng thù hận ở Mỹ… Sự im lặng của chúng ta chính là sự dung túng. Chúng ta không thể dung túng" - ông chủ Nhà Trắng khẳng định, đồng thời nhấn mạnh vụ xả súng nêu trên là một minh chứng về khủng hoảng bạo lực súng đạn ở Mỹ. Phó Tổng thống Harris, một người gốc Nam Á, thừa nhận: "Phân biệt chủng tộc ở Mỹ là có thật. Nó đã và đang xảy ra. Tư tưởng bài ngoại và kỳ thị giới tính cũng vậy. Chúng ta phải hành động".
Trước khi rời Washington để đến Atlanta, Tổng thống Joe Biden - người nhậm chức với cam kết "đoàn kết nước Mỹ" - thúc giục Quốc hội nhanh chóng thông qua dự luật về tội thù ghét liên quan đến Covid-19. Theo đài CNBC, dự luật nhằm tăng cường sự giám sát của Bộ Tư pháp đối với tình trạng phạm tội vì thù ghét liên quan đến dịch Covid-19, hỗ trợ các cơ quan hành pháp địa phương và bang, đồng thời giúp các cộng đồng gốc Á dễ dàng tiếp cận thông tin về loại tội phạm này.
Vụ xả súng ở TP Atlanta cũng đang làm dấy lên làn sóng kêu gọi chính quyền liên bang triển khai nỗ lực mới nhằm chấm dứt bạo lực súng ống với lập luận rằng trong bối cảnh kỳ thị chủng tộc gia tăng, luật sở hữu súng đạn lỏng lẻo có thể tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng hành động theo sự thù hận của họ. Theo báo The Washington Post, Georgia là một trong những bang có luật sở hữu súng ống lỏng lẻo nhất nước Mỹ. Tương tự nhiều bang khác, Georgia không cấm những đối tượng từng phạm tội thù ghét mua súng.
Chuyên gia Jonathan Metzl của Trường ĐH Vanderbilt (Mỹ) cho rằng luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt hơn có thể ngăn chặn các vụ xả súng vì kỳ thị chủng tộc trong tương lai. "Ở đâu cũng có phân biệt chủng tộc nhưng không phải ở đâu cũng có xả súng. Một phần của vấn đề đến từ khả năng tiếp cận súng đạn" - ông Metzl giải thích.
Hạ viện Mỹ tháng này thông qua dự luật yêu cầu rà soát lý lịch đối với tất cả người mua súng và cho các cơ quan thực thi pháp luật thêm thời gian để "soi" những trường hợp bị hệ thống kiểm tra đánh dấu. Dù vậy, theo báo The Washington Post, không dễ để dự luật này qua được ải Thượng viện.