Mỹ lại tăng cường hiện diện ở Vùng Vịnh
Từng đánh giá rằng Mỹ sẽ rút khỏi Trung Đông nhưng giờ đây, các nước quân chủ Arab giàu có ở Vùng Vịnh nhận ra, Mỹ đang tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực và một trong những mục đích là nhắm vào Iran, với lý do quốc gia Hồi giáo này đã có hành động đe dọa an ninh giao thông hàng hải.
Ông Timothy Hawkins - Phát ngôn viên của Hạm đội 5 của Mỹ, đóng quân tại Bahrain, nói với AFP: "Nguy cơ đe dọa những đoàn thủy thủ trong khu vực đang gia tăng vì những vụ bắt giữ" do Iran thực hiện tại eo biển Hormuz. Nằm giữa bờ biển của Iran và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), eo biển Hormuz có ý nghĩa chiến lược đối với hoạt động thương mại toàn cầu, là khu vực lưu thông cho 1/5 lượng dầu được vận chuyển bằng đường biển trên toàn cầu.
Theo quân đội Mỹ, trong 2 năm qua, Iran đã bắt giữ hoặc cố gắng kiểm soát gần 20 con tàu có treo cờ nước ngoài. Gần đây, Washington thông báo rằng họ đã 2 lần ngăn chặn Iran bắt giữ tàu chở dầu thương mại ngoài khơi Oman vào đầu tháng 7. Vào hôm 12/8, một liên minh hải quân do Mỹ lãnh đạo đã khuyến cáo các tàu "tránh càng xa lãnh hải của Iran càng tốt". Đối với ông Timothy Hawkins, đây là một "bước đi thận trọng" trước những sự cố gần đây.
Đầu tháng 8/2023, hải quân Mỹ cho biết có hơn 3.000 binh sĩ Mỹ, cùng 2 tàu chiến USS Bataan và USS Carter Hall, xuất hiện tại Biển Đỏ, nằm phía bên kia bán đảo Arab. Theo ông Timothy Hawkins, hành động tăng cường hiện diện quân sự này cho phép Washington có sẵn một "lực lượng mạnh hơn nếu cần thiết".
"Củng cố liên minh"
Vào tuần trước, một quan chức nước Mỹ giấu tên đã tiết lộ với AFP rằng Washington đang chuẩn bị cử các nam nữ quân nhân hải quân lên những tàu chở dầu thương mại đi qua Vùng Vịnh. Tuy chưa có thông báo chính thức nào được đưa ra, nhưng ông Timothy Hawkins nhấn mạnh rằng Mỹ có nhân sự "được đào tạo ngay trong khu vực để thực hiện tất cả các nhiệm vụ được giao phó".
Các quốc gia Arab ở Vùng Vịnh vốn lệ thuộc nhiều vào Mỹ vì tiềm lực an ninh của họ. Từ lâu, họ đã mong chờ những cam kết mạnh mẽ hơn từ Mỹ, nhất là sau năm 2019, khi số lượng sự cố gia tăng rõ rệt. Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tập trung vào châu Á chỉ làm gia tăng lo ngại về việc Mỹ rút lui, khiến Saudi Arabia và UAE tăng cường quan hệ với những nước đối thủ của Mỹ, như Trung Quốc, hay thậm chí là cả Iran. Vào tháng 5 vừa qua, UAE đã quyết định rút khỏi liên minh hải quân do Mỹ lãnh đạo.
Bà Dina Arakji - nhà phân tích tại công ty tư vấn Control Risks, ước tính rằng việc Mỹ tăng cường sự hiện diện là một "sự thay đổi về tư thế", "có khả năng là để trấn an các nước Arab ở Vùng Vịnh rằng Washington vẫn tuân thủ cam kết đảm bảo an ninh cho khu vực". Bà nói với AFP: “Thái độ thù địch ngày càng gia tăng của Iran và sự can dự của Trung Quốc trong khu vực đã thu hút chú ý của Washington”. Bà cũng lưu ý rằng người Mỹ “hiện đang tìm cách củng cố liên minh của họ”.
“Răn đe hiệu quả hơn”
Bù lại, Iran đã đe dọa sẽ bắt giữ các tàu Mỹ nhằm "đáp trả bất kỳ hành động xấu xa nào từ Mỹ". Sự gia tăng căng thẳng này diễn ra sau khi nhiều nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đi vào thất bại, vì Washington và Tehran vẫn còn điểm bất hòa về vấn đề này. Ông Torbjorn Soltvedt - nhà phân tích của công ty tư vấn Verisk Maplecroft, cho biết: “Trong trường hợp không có bất kỳ dấu hiệu nào về một thỏa thuận ngoại giao giữa Mỹ và Iran, giải pháp thay thế duy nhất là răn đe nhiều hơn”. Nhưng, theo lời của vị chuyên gia này, việc Mỹ tăng cường triển khai lực lượng quân sự "sẽ không đủ để xua tan những lo ngại lớn dần về vấn đề an ninh trong khu vực”. Theo ông, chừng nào mà các vụ việc vẫn còn tiếp diễn, các nước sẽ mãi còn "ấn tượng rằng Mỹ chưa cố gắng hết mình để ngăn chặn các cuộc tấn công của Iran".
Liên quan đến chương trình hạt nhật của Iran, vào hôm 15/8, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết tuy không thể xác nhận thực hư việc Iran giảm tốc độ tích trữ uranium được làm giàu đến “cấp độ vũ khí”, nhưng sẽ hoan nghênh bất kỳ động thái nào do Iran thực hiện nhằm giảm leo thang "mối đe dọa hạt nhân đang lớn dần". Ông Blinken cũng khẳng định: Việc Iran quản thúc tại gia những người Mỹ đang bị giam giữ không có liên quan gì đến bất kỳ khía cạnh nào khác trong chính sách của Mỹ đối với Iran, vốn tập trung vào chiến lược răn đe, gây áp lực và ngoại giao.
Vào hôm 17/8, các nguồn tin cho biết Iran có thể trả tự do cho 5 công dân Mỹ đang bị giam giữ, thể theo khuôn khổ thỏa thuận giải phóng 6 tỷ USD khỏi các quỹ mà Iran đặt tại Hàn Quốc. Iran đã chuyển 4 công dân Mỹ đang bị giam giữ sang chế độ quản thúc tại gia.
Theo Wall Street Journal ngày 17/8, Iran đã giảm đáng kể tốc độ tích trữ uranium làm giàu đến gần “cấp độ vũ khí” và pha loãng một phần trữ lượng uranium của họ, nhằm hạ căng thẳng với Mỹ và khôi phục cơ hội mở vòng đàm phán sâu rộng hơn về chương trình hạt nhân của nước này. "Tất nhiên, chúng tôi hoan nghênh bất kỳ bước đi nào mà Iran thực hiện để thực sự giảm bớt mối đe dọa lớn dần về hạt nhân, do chính nước này gây ra sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran", trích câu trả lời phỏng vấn họp báo của ông Blinken, với hàm ý ám chỉ sự kiện cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018.
Theo Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 của Iran và 6 cường quốc, Iran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình nhằm thu hẹp cơ hội có được vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc sẽ nới bỏ lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran.