Kể từ khi Tổng thống Argentina Javier Milei lên nắm quyền vào tháng 12 năm ngoái, ông đã hủy bỏ việc đàm phán mua chiến đấu cơ JF-17 của liên danh Pakistan-Trung Quốc, hay máy bay chiến đấu J-10 từ Trung Quốc.
Trang web “Sức mạnh quân sự” của Mỹ ngày 27/3 tiết lộ, Argentina về cơ bản đã hoàn tất hợp đồng mua 24 máy bay chiến đấu F-16 cũ của Đan Mạch. Và đằng sau hợp đồng này, là kết quả của việc Mỹ “ra sức thuyết phục”, thậm chí “quay lưng” lại với 2 đồng minh của mình là Anh và Ukraine.
Theo thông tin, Đan Mạch và Argentina đã ký nghị đinh thư mua bán 24 máy bay chiến đấu F-16 đã qua sử dụng. Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Paulson cho biết: "Không quân Đan Mạch đang trong quá trình thay đổi thế hệ chiến đấu cơ; do vậy số máy bay chiến đấu F-16 của chúng tôi đang bị loại bỏ dần và được thay thế bằng các máy bay F-35 mới".
Ông Paulson nói thêm rằng, Đan Mạch đã quyết định tặng 19 chiếc F-16 cho Ukraine và 24 chiếc khác sẽ được bán cho Argentina; chi phí của thương vụ này chưa được tiết lộ và hợp đồng mua bán vẫn đang được hoàn tất.
Theo luật pháp Mỹ, khi Đan Mạch muốn bán vũ khí và thiết bị do Mỹ sản xuất như máy bay F-16 cho nước thứ ba, thì nước này cần có sự cho phép của Chính phủ Mỹ. Tháng 10 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bật đèn xanh cho việc bán máy bay chiến đấu F-16 từ Đan Mạch cho Argentina.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 từ Đan Mạch cho Argentina "tái khẳng định mối quan hệ phòng thủ chặt chẽ của chúng tôi", và sự hỗ trợ vững chắc cho các nỗ lực hiện đại hóa của lực lượng Không quân Argentina.
Theo thông tin trước đây được gửi tới Quốc hội Mỹ, Đan Mạch đã bán 38 máy bay chiến đấu F-16 trong một gói với tổng trị giá 338 triệu USD. Vào cuối năm 2021, Chính phủ Argentina đã phê duyệt phân bổ 664 triệu USD để nâng cấp các máy bay chiến đấu của không quân nước này.
Trong đó, 20 triệu USD sẽ được sử dụng để hỗ trợ cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc cải tạo đường băng. Đầu tháng 3, Tổng thống Argentina Milei xác nhận, nước ông sẽ mua những chiếc F-16 cũ từ Đan Mạch và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hoan nghênh thông tin này.
Vì vậy, xét từ góc độ yếu tố chính trị và tài chính, không có trở ngại nào đối với Argentina trong việc mua những chiếc F-16 cũ này. Như vậy Anh, đồng minh thân cận nhất của Mỹ, đã không thể ngăn cản được thương vụ mua bán máy bay này.
Máy bay F-16 A/B được Không quân Đan Mạch trang bị trước đây thuộc phiên bản Block 10 và Block 15. Sau đó, nó trải qua quá trình nâng cấp giữa vòng đời, gần tương đương với F-16C/D Block 50/52 và có thể phóng tên lửa không đối không tầm trung AIM-120. Nhưng không được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (EASA) tiên tiến.
Nhưng bất cứ ai biết về lực lượng Không quân Argentina đều biết những khó khăn về việc mua máy bay chiến đấu của Argentina. Việc này liên quan đến cuộc chiến tranh giữa Anh và Argentina tranh giành quần đảo Falkland/Malvinas vào thập niên 1980.
Từ đó đến nay, Anh đã sử dụng ảnh hưởng toàn cầu của mình để ngăn cản Không quân Argentina thay đổi trang bị, nhằm đảm bảo rằng Argentina sẽ không thể thách thức quyền kiểm soát Quần đảo Falklands một lần nữa.
Vì vậy, cho đến đầu những năm 2020, lực lượng Không quân Argentina hùng mạnh một thời vẫn phải sử dụng máy bay chiến đấu A-4 đã lạc hậu và quá cũ nát của Mỹ. Điều đó về cơ bản có nghĩa là họ không có khả năng tác chiến trên không nào cả.
Chính phủ Argentina qua các đời tổng thống đã không ngừng tìm cách thay đổi tình trạng này, theo thống kê từ trang web “Dynamics”, các loại chiến đấu cơ từ Mirage F1 và Mirage 2000 của Pháp, Gripen của Thụy Điển, FA-50 của Hàn Quốc, Tejas của Ấn Độ, J-10 của Trung Quốc và JF-17 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác phát triển… đều đã được đưa vào danh sách tìm kiếm của Argentina.
Tuy nhiên, do những ngăn cản của Anh và khó khăn về tài chính, nên hầu hết các giao dịch này đều không được tiến hành. Năm 2020, Hàn Quốc chuẩn bị ký thỏa thuận với Argentina để mua máy bay chiến đấu FA-50, nhưng Anh từ chối cấp phép xuất khẩu nhiều linh kiện do Anh sản xuất như ghế phóng, khiến cho hợp đồng thất bại.
Truyền thông Mỹ lưu ý rằng, trước đây Mỹ đã chấp nhận việc Anh sử dụng những lý do như vậy để ngăn cản Argentina nâng cấp đội máy bay chiến đấu của mình; nhưng giờ đây tình hình này đã thay đổi - lý do vì Trung Quốc.
Thông tin đề cập rằng, năm ngoái có tin đồn rằng Argentina sắp mua máy bay chiến đấu JF-17 từ Trung Quốc; nếu đúng như vậy, điều này sẽ mang lại cho Trung Quốc một chỗ đứng hữu ích ở Trung và Nam Mỹ, khu vực được mặc định là "sân sau” của Mỹ.
Tướng 3 sao Laura Richardson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền Nam (SOUTHCOM) phụ trách khu vực Trung Mỹ và Mỹ Latin, đã cảnh báo vào năm ngoái: "Chưa có căn cứ nào của Trung Quốc ở bán cầu này, nhưng nếu chúng ta thờ ơ, một ngày nào đó có thể sẽ có".
Do vậy trước sự đe dọa của chiến đấu cơ Trung Quốc có mặt tại “sân sau” của mình, Mỹ đã bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Anh, cố gắng hết sức để thúc giục Argentina lựa chọn máy bay chiến đấu F-16 của Đan Mạch.
Một đối tác của Mỹ cũng bị “trọng thương” trong vụ việc này đó là Ukraine. Đan Mạch ban đầu dự định cung cấp cho Ukraine tất cả số máy bay F-16 mà nước này đã loại biên, nhưng giờ đây khi Argentina đã nhảy vào, Ukraine thực sự chỉ có thể có được 19 chiếc F-16, ít hơn một nửa số lượng ban đầu.
Trong khi đó, hơn lúc nào hết, Ukraine hiện đang rất cần bổ sung sức mạnh không quân để đối phó với cuộc tấn công tiền tuyến ngày càng khốc liệt của Quân đội Nga. Nhưng Mỹ rõ ràng tin rằng, việc ngăn chặn "Trung Quốc xuất hiện ở Nam Mỹ", còn quan trọng hơn việc đảo ngược tình hình ở Ukraine? (Nguồn ảnh: CNN, Reuters, Wikipedia, Sina).
Tiến Minh (Theo The Defensepost, Army Recognition)