Mỹ lầm tưởng 'trời yên biển lặng' sau 'trái đắng' S-400, không ngờ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn 'đi đêm' mua Su-35 của Nga?
Tổng thống Erdogan đang xây dựng hình ảnh phương Tây thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ để có lý do chính đáng mua thêm Su-35 từ Nga.
Phép thử Su-35
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga đang bước vào một giai đoạn mới khi cả hai bắt đầu tuần tra chung ở đông bắc Syria, với mục tiêu cách ly người Kurd ra khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong lúc hai quốc gia phối hợp hoạt động ở Syria, có một cuộc đàm phán khác đang âm thầm diễn ra giữa các quan chức Nga-Thổ liên quan đến ý định mua máy bay chiến đấu Su-35 của Ankara.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã bày tỏ sự quan tâm đến chiến đấu cơ mới của Nga ngay sau khi vừa chuyển giao hệ thống phòng không S-400 hồi tháng 7, bất chấp nguy cơ trừng phạt hiện hữu đến từ Mỹ.
Trước đó, do những tranh cãi xoay quanh thương vụ S-400, Ankara đã bị loại khỏi chương trình phát triển chiến đấu cơ tàng hình F-35.
Không còn nhiều lựa chọn để hiện đại hóa phi đội F-16 đã già cỗi, các quan chức của Ankara hiện đang coi Su-35 của Nga là một lựa chọn khả thi.
Tất nhiên, việc có thêm một hợp đồng vũ khí mới với Nga sẽ là nguy cơ làm tổn hại mối quan hệ đang gặp rắc rối giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh phương Tây và NATO.
“Thổ Nhĩ Kỳ muốn có một giải pháp thay thế trong trường hợp không thể có được F-16 mới để duy trì phi đội hiện tại của mình”, Ozgur Unluhisarcikli, giám đốc Quỹ Marshall của Đức tại Ankara, nói với Al-Monitor.
“Cũng giống như thương vụ S-400, đây không hẳn là một quyết định đơn giản. Cuộc đàm phán lần này phù hợp với mô hình mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn hướng tới, đó là tìm kiếm lựa chọn từ Nga bất cứ khi nào họ không đạt được những gì họ muốn từ Mỹ”.
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã sắp đạt được thỏa thuận mua 36 máy bay chiến đấu Su-35, mặc dù một số nguồn tin nói rằng con số này có thể lên tới 48. Mỗi máy bay chiến đấu của Nga ước tính có giá 50-70 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với mức giá F-35 là 94-122 triệu USD.
Tuy nhiên, tiết kiệm chi phí chỉ là một trong những lý do nhỏ, như nhà phân tích quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ Kerim Has mô tả: Thương vụ hoàn toàn vì “lý do chính trị”.
Khi căng thẳng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây sau thương vụ S-400 và cuộc tiến công Syria, ông Erdogan đã chịu áp lực phải cân bằng lợi ích bằng cách tính lại quan hệ với cả NATO và Moscow.
Nếu sự hỗ trợ của phương Tây bắt đầu dao động đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhà lãnh đạo Erdogan có thể sẽ tìm kiếm sự bảo vệ và sự trấn an thông qua hợp tác lớn hơn với Nga, chuyên gia Has nói.
“Sẽ rất bất lợi cho NATO khi một đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ lại đi mua Su-35”, ông nói với Al-Monitor. “Điều này đánh dấu sự thận thức thay đổi của Thổ Nhĩ Kỳ về an ninh và định hướng địa chính trị”.
Thổ Nhĩ Kỳ mượn cớ
Mặc dù một số nhà phân tích chính trị cho việc theo đuổi các thiết bị quân sự Nga của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến thành viên NATO này gặp nguy hiểm, chuyên gia Unluhisarcikli lưu ý rằng liên minh không có cơ chế trục xuất ai đó.
“Với những diễn biến nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ không có nguy cơ bị loại bỏ khỏi NATO. Về mặt kỹ thuật thì là không thể, nhưng họ có thể bị loại ra khỏi các hoạt động chung”, chuyên gia Unluhisarcikli nói với Al-Monitor.
“Trong tương lai, chúng ta có thể thấy Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi các dự án hoặc cuộc tập trận lớn của NATO do hợp tác quốc phòng với Nga”.
Đã có những thông tin trái chiều về thương vụ mua Su-35 của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã lên tiếng đính chính rằng, ngay cả khi các cuộc đàm phán diễn ra tích cực, cũng sẽ chưa thể có một thỏa thuận nào trước năm 2020.
Các nhà thầu quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thành các hợp đồng sản xuất theo chương trình F-35 đến tháng 3 năm sau.
Hiện tại, Tổng thống Erdogan đang tận hưởng làn sóng ủng hộ trong nước sau cuộc tiến công mới nhất ở Syria.
Khi những khó khăn kinh tế đang ngày một sâu sắc, cùng những vấn đề đau đầu liên quan, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách đổ lỗi tất cả cho sự thù địch của phương Tây và các lệnh trừng phạt đang được bày ra, trước tiên là thương vụ S-400 và sau đó có thể là thỏa thuận Su-35.
“Tổng thống Erdogan sẽ xây dựng hình ảnh như thể phương Tây đang đối đầu với ông và Thổ Nhĩ Kỳ”, chuyên gia Has nói với Al-Monitor. “Ông sẽ quy trách nhiệm về sự suy thoái của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ là do áp lực của phương Tây, điều này sẽ tạo ra cái cớ để chuyển hướng sang Nga”.