Mỹ 'lắng nghe' các nước Nam Mỹ về dự án đối trọng Vành đai - Con đường của TQ
Chuyến công du ba nước Nam Mỹ là phần đầu tiên trong chuỗi hoạt động của Washington nhằm 'lắng nghe' quan điểm của các đối tác liên quan sáng kiến B3W.
Trong chuyến công du ba nước Nam Mỹ, các quan chức Mỹ sẽ “lắng nghe” các đối tác để chuẩn bị cho việc hiện thực hóa sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) được nhóm G7 công bố hồi tháng 6, hãng tin Reuters cho hay.
Ngày 26-9, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Daleep Singh - người từng là lãnh đạo cấp cao tại Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) New York - đã dẫn đầu một phái đoàn bắt đầu chuyến thăm ba nước Colombia, Ecuador và Panama. Đây là chuyến công du đầu tiên trong chuỗi hoạt động Washington đã lên kế hoạch sẵn nhằm “lắng nghe” các đối tác trước khi sáng kiến B3W được hiện thực hóa.
Tại điểm đến đầu tiên, ông Singh sẽ đối thoại trực tiếp với Tổng thống Colombia Ivan Duque. Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso và các quan chức cấp cao của Panama cũng sẽ đón tiếp Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ.
Ngoài ra, phái đoàn đến từ Washington còn gặp gỡ đại diện khối kinh tế tư nhân, các tổ chức xã hội và một số hội nhóm khác tại ba quốc gia Nam Mỹ này.
Bên cạnh B3W, chương trình nghị sự của phái đoàn Mỹ còn tập trung vào các lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, công nghệ số và bình đẳng giới.
Theo một quan chức cao cấp tại Washington, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lên kế hoạch tổ chức lễ ra mắt B3W vào đầu năm sau. Theo nguồn tin này, Nhà Trắng và các đối tác chưa có quyết định sau cùng về việc sẽ đầu tư bao nhiêu tiền cho sáng kiến này. Trước đó, Nhà Trắng ước tính từ nay tới năm 2035, các nước đang phát triển cần ít nhất 40.000 tỉ USD vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
B3W được coi là kế hoạch đối trọng với Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc khi Mỹ và các đối tác có thể cung cấp cho các nước đang phát triển một giải pháp thay thế BRI và giúp lan tỏa các giá trị, tiêu chuẩn và phong cách kinh doanh của phương Tây, theo Reuters.
BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013 với các khoản đầu tư khổng lồ vào hệ thống cơ sở hạ tầng ở khắp các khu vực, châu lục. Hơn 100 quốc gia đã ký các thỏa thuận với Trung Quốc liên quan các dự án đường sát, cảng biển, đường cao tốc… trong khuôn khổ BRI. Tuy nhiên, phương Tây nghi ngờ Bắc Kinh muốn lợi dụng các khoản đầu tư này cho mục đích chính trị, nhất là tại các khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng.