Hãng tin Interfax của Nga cho biết, tàu hộ vệ tên lửa tàng hình mang tên Đô đốc Gorshkov đã di chuyển từ Tây Thái Bình Dương vào biển Caribbe qua kênh đào Panama hôm 17/6/2019.
Tàu Đô đốc Gorshkov được hộ tống bởi 3 tàu đảm bảo khác, trong đó có một tàu kéo hạng nặng chuyên làm nhiệm vụ cứu kéo cho tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov trong những chuyến hải trình dài.
Dự kiến trong vài ngày tới, con tàu sẽ cập cảng La Habana của Cuba và tiếp theo sẽ di chuyển xuống phía Nam để tiến vào lãnh hải Venezuela thực hiện chuyến thăm chính thức.
Việc hải quân Nga điều động tàu hộ vệ tên lửa tàng hình tối tân nhất của mình tới Nam Mỹ rõ ràng tỏ ý muốn thách thức Mỹ, khi khu vực này vẫn được xem là "sân sau" của Washington.
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Đô đốc Gorshkov - dự án 22350 được thiết kế bởi Severnoye Design Bureau, Saint Petersburg là chiến hạm mạnh nhất được đóng cho hải quân Nga thời kỳ hậu Liên Xô.
Mặc dù được xem là sự kế thừa của chiến hạm săn ngầm lớp Krivak nổi tiếng nhưng khác với người tiền nhiệm, lớp tàu chiến thế hệ mới này có tính đa năng rất cao.
Đô đốc Gorshkov có thể thực hiện tốt mọi chức năng bao gồm tấn công tầm xa, chống ngầm và hộ tống, do đó tàu hộ vệ dự án 22350 còn được gọi là “khu trục hạm cỡ nhỏ”.
Hải quân Nga đã lên kế hoạch đóng tới 20 tàu hộ vệ tên lửa lớp Đô đốc Gorshkov, tính đến thời điểm này họ đã tiếp nhận vào biên chế 2 chiếc và dự kiến con số sẽ tăng lên 6 chiếc vào năm 2025.
Do có lượng giãn nước lên tới 4.550 tấn, lớn hơn nhiều khi đặt cạnh Buyan-M và Steregushchy cho nên lượng vũ khí mà Đô đốc Gorshkov mang theo cũng phong phú hơn rất nhiều.
Dàn vũ khí của Đô đốc Gorshkov bao gồm 1 hải pháo A-192M cỡ 130 mm; 2 cụm 8 ống phóng thẳng đứng dùng để bắn tên lửa chống hạm/ chống ngầm/ tấn công mặt đất họ Kalibr.
Ngoài ra trên tàu còn có 4 cụm 8 ống phóng thẳng đứng chứa tên lửa phòng không tầm trung 9M96/9M100; 2 tổ hợp tên lửa - pháo phòng không cao tốc Palash; 6 ngư lôi chống ngầm 324 mm và 2 súng máy hạng nặng 14,5 mm.
Hệ thống điện tử của tàu cũng là rất “khủng” đối với 1 chiến hạm 4.000 tấn gồm radar tìm kiếm trên không Furke 4; radar tìm kiếm bề mặt 34K1 Monolit; radar hỏa lực 5P-10 Puma dùng để điều khiển khẩu pháo A-192; hệ thống sonar Zarya M đi kèm với sonar kéo Vinyetka.
Thông số cơ bản của chiến hạm Đô đốc Gorshkov bao gồm chiều dài 135 m; chiều rộng 16,4 m, mớn nước 4,5 m. Tàu được trang bị hệ thống động lực kết hợp, với 2 động cơ turbine khí M90 công suất 27.500 mã lực, 2 động cơ diesel công suất 5.200 mã lực.
Con tàu có thể đạt tới tốc độ 29,5 hải lý/h, tầm hoạt động 8.300 km khi chạy với tốc độ kinh tế 14 hải lý/h, dự trữ hành trình 30 ngày; thủy thủ đoàn 180 - 210 người.
Chắc chắn sự có mặt của chiến hạm Đô đốc Gorshkov tại Venezuela trong thời kỳ nóng bỏng sẽ làm Mỹ cảm thấy tức giận, nhiều khả năng họ sẽ triển khai cả một biên đội để thị uy sức mạnh trước chiến hạm Nga.
Bạch Dương