Mỹ lạnh nhạt với NATO?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth vừa cách chức Phó đô đốc Hải quân Shoshana Chatfield, người giữ vị trí đại diện quân sự Mỹ tại Ủy ban Quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Quyết định này của Mỹ khiến các quốc gia NATO lo ngại về vai trò của Mỹ trong liên minh này.

Việc cách chức Phó đô đốc Hải quân Mỹ Shoshana Chatfield là một phần của cuộc cải tổ nhân sự sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ 2. Tuần trước, Tổng thống Mỹ đã sa thải Tướng Timothy Haugh, người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, quyết định mới nhất của Mỹ khiến NATO lo ngại về vai trò của Mỹ trong liên minh. Vì cùng ngày, hãng tin NBC News của Mỹ đưa tin nước này có thể rút 10.000 binh sĩ khỏi Đông Âu, trong đó tập trung cắt giảm số lượng ở Romania và Ba Lan. Trước đó, trong chuyến đi đầu tiên tới trụ sở NATO vào tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã cảnh báo châu Âu về việc bắt Mỹ phải chịu trách nhiệm trong vấn đề phòng thủ.

Những diễn biến gần đây khiến các đồng minh NATO lo ngại về sự không chắc chắn của Mỹ trong vai trò dẫn dắt liên minh quân sự này. Trong một động thái nhằm chấn an các quốc gia thành viên, phát biểu khi thăm Nhật Bản, Tổng thư ký NATO Mark Rutte bày tỏ tin tưởng vào sự hỗ trợ quân sự liên tục của Mỹ đối với liên minh và các đồng minh.

“Trung Quốc, Triều Tiên và Nga đang tăng cường các cuộc tập trận quân sự và hợp tác. Điều đó có nghĩa là những gì xảy ra ở Châu Âu - Đại Tây Dương cũng có thể tác động đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ngược lại. Tôi thực sự rất vui vì Mỹ vẫn duy trì mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng”, ông Rutte nhấn mạnh.

Hiện chưa rõ liệu việc Mỹ cách chức Phó đô đốc Hải quân Mỹ Shoshana Chatfield có liên quan đến bất kỳ định hướng chính sách nào của Mỹ đối với NATO hay không. Tuy nhiên, các quốc gia NATO đang tăng cường năng lực quốc phòng.

Hôm nay, Tây Ban Nha cũng thông báo sẽ chi thêm 2,08 tỷ euro (2,28 tỷ USD) cho quốc phòng trong năm nay. Trong số 32 thành viên của NATO, Tây Ban Nha có chi tiêu quốc phòng thấp nhất tính theo tỷ lệ sản lượng kinh tế, chỉ ở mức 1,3%. Để đạt được mục tiêu 2% của liên minh, Tây Ban Nha cần phải chi thêm khoảng 10 tỷ euro (10,8 tỷ USD) mỗi năm.

Người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha Pilar Alegria khẳng định: “Cam kết đạt được 2% đó vẫn rõ ràng và kiên định. Và hơn nữa, tất nhiên, ý chí của chính phủ này là thực hiện cam kết đó càng sớm càng tốt. Trên hết là việc hiện đại hóa, bảo trì và cải thiện cả nhân sự và cơ sở hạ tầng.”

Hiện nay, Mỹ đóng vai trò không thể thiếu trong NATO. Trước áp lực phải tăng cường năng lực phòng vệ và tăng chi quốc phòng, để giảm dần phụ thuộc vào Mỹ, một số cường quốc quân sự lớn nhất của châu Âu đang xây dựng kế hoạch đảm nhận trách nhiệm phòng thủ lớn hơn cho châu lục.

Thiều Dương/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-lanh-nhat-voi-nato-post1190806.vov