Mỹ 'lạnh sống lưng' vì tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thế hệ mới của Triều Tiên?
Sau vụ phóng thử tên lửa lần thứ 11 của Triều Tiên, một số nguồn tin cho rằng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thế hệ mới của Bình Nhưỡng đang trở thành mối đe dọa mới với an ninh nước Mỹ và toàn cầu.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, theo đánh giá từ Lầu Năm Góc, đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) thế hệ mới Pukkuksong-3 được Triều Tiên phóng thử vào ngày 2/10 có tầm bắn tối đa là 1.900 km và có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.
Giới phân tích nhận định, vụ phóng tên lửa Pukkuksong-3 là bước tiến quan trọng trong tham vọng đưa tên lửa đạn đạo hoạt động cùng tàu ngầm của Triều Tiên. Bởi trên lý thuyết, Pukkuksong-3 sẽ cho phép Bình Nhưỡng trở thành đối thủ đáng gờm của Washington.
Nhưng một số chuyên gia lại cho rằng, tên lửa Pukkuksong-3 của Triều Tiên “không là gì” bởi nó được phóng từ chiếc tàu ngầm sử dụng công nghệ có tuổi thọ đã hơn 60 năm.
Trước đó, truyền thông Triều Tiên cũng đã cho công bố những bức ảnh về một chiếc tàu ngầm trang bị tên lửa mới được nước này sản xuất nhân chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong-un tới xưởng đóng tàu Nam Sinpo vào tháng Bảy. Ông Kim đã tỏ ra “vô cùng hài lòng” về chiếc tàu ngầm có trọng tải 3.000 tấn và nhấn mạnh hoạt động triển khai “sẽ sớm được tiến hành”.
Còn theo những bức ảnh vệ tinh mới đây, xưởng đóng tàu Nam Sinpo đã chuẩn bị một chỗ neo đậu mới được cho là để phục vụ hoạt động của chiếc tàu ngầm nói trên.
Chuyên gia phân tích quân sự tại Tokyo, ông Lance Gatling lại cho rằng, “Triều Tiên cần nhận ra rằng, họ đang đầu tư quá nhiều tiền của cho một thứ sẽ dễ dàng bị tiêu diệt ngay khi bước vào cuộc chiến”.
Cụ thể, theo thông tin từ giới tình báo phương Tây, chiếc tàu ngầm có trọng tải 3.000 tấn của Triều Tiên nằm trong bản kế hoạch phát triển quân sự 5 năm. Tuy nhiên, tàu ngầm Triều Tiên lại sử dụng động cơ đẩy điện – diesel và công nghệ phóng tên lửa của Liên Xô cũ vào thập niên 50. Do đó, tàu ngầm mới của Triều Tiên sẽ có 3 ống phóng tên lửa nhưng tầm bắn bị hạn chế.
Để tấn công một mục tiêu nằm ở bờ tây nước Mỹ, tàu ngầm Triều Tiên sẽ phải vượt quãng đường dài 6.100 km trên Thái Bình Dương và với khoảng cách tương tự để trở về căn cứ. Trong khi đó, phạm vi hoạt động tối đa của tàu ngầm Triều Tiên là khoảng 7.000 km. Nói cách khác, tàu ngầm Triều Tiên chỉ có thể thực hiện các sứ mệnh tấn công một chiều.
“Theo đánh giá của tôi, tàu ngầm mới của Triều Tiên là bản nâng cấp của tàu ngầm lớp Romeo và được thay đổi thiết kế để phóng thêm 3 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân”, ông Daniel L Davis, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Defence Priorities ở Washington DC chia sẻ.
“Đây hoàn toàn là công nghệ cũ và nếu Triều Tiên sử dụng công nghệ này, họ chắc chắn sẽ gặp thảm kịch trên đường trở về căn cứ sau vụ tấn công nhằm vào Mỹ”, ông Davis, người có 21 năm phục vụ trong quân đội Mỹ đánh giá.
“Tại Washington, tôi cũng từng nghe giới chức Hàn Quốc bày tỏ lo lắng về việc hoạt động triển khai tàu ngầm mới của Triều Tiên bởi nó sẽ cho phép Triều Tiên mở rộng năng lực phóng tên lửa tấn công Hàn Quốc cùng khả năng tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương nếu không may xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, tàu ngầm của Triều Tiên sử dụng công nghệ cũ kỹ lại không có khả năng tàng hình. Do đó, đây dường như là sứ mệnh tự sát đối với cả con tàu và thủy thủ đoàn, nhưng trong tình huống khẩn cấp, tàu ngầm Triều Tiên vẫn có thể phóng tên lửa về phía đối phương”, ông Davis nói thêm.
Trong khi đó, theo ông Gatling, Mỹ đã vận hành đội tàu ngầm hơn 150 năm và đầu tư hàng tỷ USD vào hạm đội này cũng như trang bị những công nghệ lão luyện mà chỉ những đối thủ lớn như Nga sở hữu. Ngay cả Nhật Bản cũng đang nắm trong tay một vài chiếc tàu ngầm truyền thống thuộc dạng hiện đại nhất trên thế giới cùng kinh nghiệm dày dặn trong việc vận hành ở khu vực bờ biển Nhật Bản hoặc biển Hoa Đông.
“Tôi chắc rằng, Triều Tiên đang cố đưa tích hợp khả năng hoạt động chống ồn trên các tàu ngầm nhưng họ lại chỉ có công nghệ lỗi thời, do đó rất khó để Triều Tiên có đủ năng lực tàu ngầm sánh ngang với hai cường quốc hải quân trên thế giới là Mỹ và Nhật Bản”, ông Gatling cho hay.
Theo các nhà phân tích, hải quân Triều Tiên chưa bao giờ hoạt động cách xa bờ biển nước này cũng như không có kinh nghiệm vận hành trên Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, hải quân Triều Tiên thiếu thông tin chính xác về độ sâu của biển, dòng hải lưu và điều kiện thời tiết.
Nếu như không có sự hỗ trợ từ các đồng minh như Trung Quốc và Nga, Triều Tiên dường như khó có thể tìm thấy chiếc tàu gặp nạn của nước này khi hoạt động ở vùng biển rộng lớn như Thái Bình Dương.
Nói tóm lại, thiếu sót lớn nhất của tàu ngầm Triều Tiên chính là công nghệ.
“Nếu tàu ngầm Triều Tiên cố gắng rời khỏi Thái Bình Dương, chiếc tàu sẽ buộc phải đi về phía bắc hoặc phía nam Nhật Bản. Song những eo biển ở khu vực này lại đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản và ngay cả Nga cũng không muốn đi qua eo biển Soya (khu vực nằm giữa Hokkaido và Sakhalin), bởi đây là vùng nước nông nên tàu ngầm phải hoạt động trong tình trạng nửa chìm nửa nổi và được các tàu chiến đi theo hộ tống”, ông Gatling phân tích.
Bên cạnh đó, Mỹ và Nhật Bản đang sử dụng Hệ thống Giám sát âm thanh dưới biển (Sosus) để theo dõi hoạt động di chuyển của các tàu.
Công nghệ Sosus được phát triển vào những năm 80. Sosus được đặt dưới lòng biển phía đông nước Mỹ và dùng để theo dõi các tàu ngầm của Nga từ khoảng cách xa hàng ngàn kilomet khi tàu ngầm Nga di chuyển từ phía bắc Na Uy để tiến vào Đại Tây Dương. Sau thập niên 80, Sosus đã được cải tiến công nghệ nhiều lần.
Do đó, theo Phó Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha ở Seoul, “Chủ tịch Kim Jong-un chỉ muốn nâng cao hình ảnh lãnh đạo trong nước cũng như nâng tầm năng lực phòng thủ hạt nhân trên trường quốc tế. Nói cách khác, tham vọng phóng tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên chỉ thiên về tính chính trị hơn là hoạt động thực tế giống như chương trình phát triển tên lửa tầm xa cách đây 20 năm”.