Mỹ Latinh: Đối phó với ''cơn bão'' lạm phát
Giá thực phẩm, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm tăng cao đang làm chao đảo cuộc sống của người dân khắp châu Mỹ Latinh. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khu vực vốn đã chậm chạp vì bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine một lần nữa khiến chính phủ các nước tìm mọi cách để nỗ lực kiềm chế 'cơn bão' lạm phát.
Ngày 12-8, Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina (INDEC) cho biết, tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 7 đã tăng 7,4% so với tháng 6 - mức tăng cao nhất trong 20 năm qua. Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Argentina đã tăng 46,2% kể từ đầu năm và đã tăng tới 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo số liệu chính thức, lạm phát ở Mexico - nền kinh tế lớn thứ hai của Mỹ Latinh đã lên tới 8,15% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7, là mức cao nhất kể từ năm 2000.
Bên cạnh việc phải tiếp tục vật lộn với những hệ lụy từ đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở Ukraine đã làm gia tăng các vấn đề trong chuỗi cung ứng, tăng giá nhiên liệu và lương thực ở Mỹ Latinh. Lạm phát giá tiêu dùng trong khu vực đã tăng từ mức trung bình 4% trong giai đoạn 2015-2019 lên hơn 7% ở thời điểm hiện tại. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lương thực và năng lượng, chiếm hơn 90% lạm phát ở Costa Rica, 75% ở Paraguay, 66% ở Brazil và gần 60% ở Colombia.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, sự gia tăng nhanh chóng của lãi suất ở Mỹ đang có tác động lan tỏa đáng kể đến các nền kinh tế Mỹ Latinh phụ thuộc vào đồng USD. Lãi suất chuẩn của Mỹ hiện đang ở mức cao nhất trong thập kỷ là 2,25-2,5%. Miguel Boggiano, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc đầu tư tại Carta Financiera, một cổng thông tin chuyên về kinh tế, tài chính ở Argentina, cho biết: "Đồng USD đã mạnh lên so với tất cả các loại tiền tệ trên thế giới, điều này có nghĩa là các quốc gia mới nổi sẽ gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ bằng USD khi đồng USD trở nên đắt hơn đồng nội tệ".
Báo cáo mới nhất của Tập đoàn Goldman Sachs nhận định, các đồng nội tệ, đặc biệt là peso Chile và Colombia, dễ bị tổn thương do những lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng. Vào tháng 6-2022, đồng peso của Colombia mất 5,5% giá trị. Các đồng nội tệ mất giá sẽ làm trầm trọng hơn bối cảnh lạm phát vốn đã “rất nóng và đầy thách thức, đến mức nếu các đồng tiền mất giá nhanh, mạnh sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến giá cả trong nước và kích hoạt kỳ vọng lạm phát kéo dài”.
Do đó, các ngân hàng trung ương của khu vực đã thắt chặt chính sách tiền tệ một cách thích hợp, chẳng hạn như Ngân hàng trung ương Brazil, mới đây đã tăng lãi suất chủ chốt lên 13,75%. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Mexico ngày 11-8 đã công bố một đợt tăng mạnh lãi suất nhằm kiềm chế mức lạm phát cao nhất trong hơn hai thập kỷ. Lãi suất liên ngân hàng được nâng thêm 0,75 điểm phần trăm lên mức 8,5%, là lần tăng lãi suất thứ mười liên tiếp ở Mexico và là lần thứ hai có mức tăng cao như vậy.
Tổng thống Argentina Alberto Fernández thì bày tỏ lo ngại trước việc giá cả trong nước tăng mạnh, đồng thời cam kết đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp để ngăn chặn đà tăng của lạm phát. Theo đó, Chính phủ Argentina đã quyết định tăng 15,53% lương hưu và hỗ trợ những người khó khăn nhất số tiền 7.000 peso (khoảng 52 USD). Ngoài ra, chính phủ cũng đang tích cực đàm phán về vấn đề tiền lương của người lao động với lãnh đạo các doanh nghiệp và nghiệp đoàn lớn với mục đích thúc đẩy biện pháp “tiền lương đánh bại lạm phát”.
Đã có nhiều cảnh báo rằng, tăng trưởng kinh tế thấp hơn và lạm phát cao hơn, từ đó gia tăng tỷ lệ người nghèo và bất bình đẳng trong khu vực Mỹ Latinh. Thực trạng này đã tạo áp lực cho chính phủ nhiều nước phải đưa ra những chính sách nhằm ứng phó tốt với các thách thức kinh tế do lạm phát.