Mỹ Latinh kỳ vọng gì ở chính quyền của ông Biden?

Theo mạng bình luận celag.org, tin tức về chiến thắng của ông Joe Biden đến với Mỹ Latinh vào thời điểm khu vực này đang chứng kiến những làn sóng tiến bộ hi vọng mới từ chiến thắng của Phong trào tới Chủ nghĩa xã hội (MAS) trong cuộc bầu cử tổng thống Bolivia và kết quả áp đảo của yêu cầu thay đổi Hiến pháp trong cuộc trưng cầu dân ý tại Chile.

Có thể đưa ra dự báo sơ lược về một số định hướng chính sách của ông Biden với Mỹ Latinh trong nhiệm kỳ sắp tới. (Nguồn: Reuters)

Có thể đưa ra dự báo sơ lược về một số định hướng chính sách của ông Biden với Mỹ Latinh trong nhiệm kỳ sắp tới. (Nguồn: Reuters)

Đối với Mỹ Latinh, 4 năm qua là khoảng thời gian phức tạp và gian khó với đỉnh điểm là đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm toàn cầu khiến nền kinh tế lâm vào khủng hoảng. Đa số các quốc gia trong khu vực này nhìn nhận sự xuất hiện của một gương mặt mới tại Nhà Trắng có thể là một tín hiệu tốt.

Bất chấp tâm lý chung đó, cũng như bối cảnh chưa rõ ràng trong cuộc tranh giành tại Quốc hội Mỹ, những chính sách cụ thể đối với khu vực Mỹ Latinh của chính quyền ông Biden vẫn là một ẩn số.

Nhiều nhà phân tích bày tỏ tin tưởng rằng Nhà Trắng sẽ có những ưu tiên khác cấp bách hơn như việc đối phó đại dịch Covid-19, những tác động của đại dịch lên nền kinh tế và việc làm của người dân Mỹ, tình trạng phân cực chính trị và xã hội ngày càng gay gắt tại Mỹ cũng như hàn gắn quan hệ với các đồng minh và cường quốc khác.

Ít người cho rằng các vấn đề của Mỹ Latinh và Caribe chiếm vị trí ưu tiên của Washington vào thời điểm này.

Dự báo sơ lược

Tuy nhiên, dựa vào quá trình hoạt động của ông Biden, những phát ngôn và diễn biến trong tranh cử và đánh giá tình thế, có thể đưa ra dự báo sơ lược về một số định hướng chính sách của ông Biden với Mỹ Latinh trong nhiệm kỳ sắp tới.

Trước hết, những cải cách có thể có trong nội bộ nước Mỹ, theo hướng nâng cao chi phí phúc lợi xã hội để cải thiện điều kiện sống người dân. Theo đó, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ hưởng ứng sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế tại các quốc gia khác, đặc biệt tại Mỹ Latinh.

Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung và với Mỹ Latinh nói riêng dưới thời ông Biden sẽ mang tính thể chế hơn và ít dấu ấn cá nhân hơn, cũng như sẽ có giọng điệu hợp lý lẽ hơn. Nhiều nhà quan sát tin tưởng trong 4 năm tới, Chính phủ của đảng Dân chủ sẽ đặt cược vào một chính sách di trú toàn diện, nhưng không nhất thiết là ít bị “an ninh hóa” hơn.

Cần nhớ rằng, ông Biden chính là một trong những kiến trúc sư của chính sách Liên minh Tam giác thịnh vượng Bắc Trung Mỹ, với nội dung chủ yếu là tạo dựng – thông qua các gói viện trợ và chương trình hợp tác – một "vùng đệm an ninh" tại Guatemala, Honduras và El Salvador để ngăn chặn làn sóng di cư tới Mỹ qua Mexico.

Một chính quyền do ông Biden đứng đầu cũng được chờ đợi sẽ củng cố các cơ quan và tổ chức viện trợ phát triển cả song phương lẫn đa phương, một mạng lưới các “vòi bạch tuộc” của Mỹ vốn bám rễ sâu và rất có ảnh hưởng tại khu vực Mỹ Latinh.

Tương tự, cựu Phó tổng thống Mỹ cũng được cho là sẽ tiếp tục chiến lược hợp tác chống buôn lậu ma túy tại Mỹ Latinh, với đồng minh chiến lược là Colombia – khi ông Biden cũng từng là người thúc đẩy "Kế hoạch Colombia". Đây là dự án viện trợ quân sự kéo dài nhiều năm và tốn kém nhất tại Mỹ Latinh với mục đích công khai là xóa bỏ cưỡng bức hoạt động trồng cây coca và buôn lậu ma túy.

Với Cuba, ông Biden từng hứa hẹn xóa bỏ những hạn chế mà chính quyền Tổng thống Trump áp đặt lên hoạt động gửi kiều hối và đi lại, khôi phục Chương trình đoàn tụ gia đình Cuba (CFRP), tạo điều kiện cho việc cấp phép tị nạn và giới hạn việc trục xuất hồi hương các đối tượng này ở mức tối đa.

Cũng với chiến lược “áp lực thông minh”, chính trị gia kỳ cựu của đảng Dân chủ này sẽ duy trì cam kết mạnh mẽ về “khôi phục dân chủ” hay nói đúng hơn là thay đổi chế độ tại Nicaragua và Venezuela.

Năm 2015, sau khi tái thiết lập ngoại giao với Cuba, Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama đã ra sắc lệnh liệt Venezuela vào “mối đe dọa bất bình thường đối với an ninh quốc gia Mỹ” và khởi đầu làn sóng các biện pháp trừng phạt của Washington chống Caracas.

Ông Biden được cho là sẽ quay lại cách đối xử phân biệt này với trục đồng minh chiến lược Havana– Caracas và trao cho cộng đồng kiều dân Venezuela “quy chế bảo hộ tạm thời” mà tổng thống Trump từng từ chối.

Thậm chí trong trường hợp Venezuela, nhiều nhà phân tích cho rằng đã có đồng thuận giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa về việc tiếp tục quân bài “tổng thống tự phong” Juan Guaidó bất chấp việc nhân vật này đang suy giảm ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian qua.

Ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc

Một nhiệm vụ mà ông Biden hay bất cứ ai đảm nhiệm cương vị tổng thống Mỹ trong thời điểm này đều phải thực hiện là ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc tại Mỹ Latinh, một phần của cuộc đấu trên bình diện toàn cầu giữa 2 siêu cường.

Tại khu vực này, ảnh hưởng về chính trị, quân sự và văn hóa của Trung Quốc chưa thể và sẽ còn rất lâu mới có thể so sánh với Mỹ. Tuy nhiên, trên bình diện Bắc Kinh đang là đối thủ của Washington trong nhiều lĩnh vực thương mại và đầu tư, thì nhiều nước trong khu vực muốn lợi dụng thế cạnh tranh tự nhiên này giữa hai cường quốc.

Một chiến thuật đầy hiệu quả khác mà chính quyền Biden sắp tới được cho là sẽ duy trì là thúc đẩy “cuộc chiến chống tham nhũng” với động cơ chính trị tại khu vực, yếu tố từng giúp Washington và đồng minh tại khu vực loại bỏ được nhiều đối thủ chính trị qua con đường pháp lý.

Trong khi đó, những sự kiện mới diễn ra như việc ứng cử viên của MAS Luis Arce đắc cử tại Bolivia, cuộc vận động đòi thay đổi Hiến pháp tại Chile, cùng các chính phủ tại Argentina và Mexico, đang tạo nên một bối cảnh thuận lợi cho việc tái lập các liên minh nội khu vực để phần nào đối trọng với chính sách đối ngoại của Washington.

(theo celag.org)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-latinh-ky-vong-gi-o-chinh-quyen-cua-ong-biden-129387.html