Mỹ lên tiếng về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Syria
Nhà Trắng hôm 22/11 nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tự vệ, dù chiến dịch 'Claw-Sword' của nước này ở Syria có thể gây khó khăn cho lực lượng dân quân người Kurd trong cuộc chiến chống lại những Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói rằng “Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục hứng chịu mối đe dọa khủng bố, đặc biệt là ở phía Nam, do đó họ chắc chắn có quyền để tự bảo vệ mình và công dân của họ.”
Tuy nhiên, các hoạt động xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ “có thể buộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) phải phản ứng, vì điều đó hạn chế khả năng tiếp tục cuộc chiến chống lại IS của họ”, ông Kirby nói thêm.
SDF là lực lượng dân quân do Mỹ hậu thuẫn, hiện đang kiểm soát vùng Đông Bắc Syria. Phần lớn các chiến binh SDF đến từ lực lượng dân quân người Kurd YPG là Ankara coi là khủng bố.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một cuộc không kích và pháo binh vào miền Bắc Syria và Iraq vào ngày 20/11, sau khi đổ lỗi cho người Kurd về vụ đánh bom ngày 13/11 trên Đại lộ Istiklal của Istanbul khiến 6 người thiệt mạng và 81 người khác bị thương.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar báo cáo hôm 21/11 rằng gần 200 "kẻ khủng bố" đã bị loại bỏ trong 48 giờ đầu tiên của chiến dịch.
“Chúng tôi biết danh tính, địa điểm và lịch trình của những kẻ khủng bố. Chúng tôi cũng biết rất rõ ai bảo trợ, trang bị vũ khí và khuyến khích những kẻ khủng bố”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết hôm 22/11 khi đến thăm tỉnh Artvin, giáp biên giới với Georgia.
“Hy vọng rằng chúng ta sẽ nhổ tận gốc tất cả những kẻ khủng bố càng sớm càng tốt,” ông nói thêm.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa vượt qua biên giới Syria hoặc Iraq, mặc dù Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói với các phóng viên rằng chiến dịch "Claw-Sword” sẽ không chỉ giới hạn trong các cuộc không kích.
Alexander Lavrentyev - đặc phái viên của Tổng thống Nga về Syria cảnh báo Ankara nên kiềm chế không sử dụng vũ lực “quá mức” trong các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu ở Syria để tránh làm leo thang tình hình.
Theo ông Lavrentyev, Thổ Nhĩ Kỳ nên “kiềm chế để ngăn chặn căng thẳng leo thang, không chỉ ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc Syria, mà còn trên toàn bộ lãnh thổ”.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho "vấn đề người Kurd" và tuyên bố rằng Nga sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên quan tâm. “Chúng tôi hy vọng sẽ thuyết phục được các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế sử dụng vũ lực quá mức trên lãnh thổ Syria”, ông nói thêm.
Đặc phái viên Nga cũng lưu ý rằng sự hiện diện "bất hợp pháp" của quân đội Mỹ tại Syria đang cản trở đáng kể sự ổn định trong khu vực. Ông gợi ý nếu đội quân của Washington rút khỏi vùng Đông Bắc Syria, điều đó sẽ giúp làm dịu tình hình.