Mỹ liều lĩnh chơi 'cò quay Nga' ở Syria, số phận Israel giờ đây như 'chỉ mành treo chuông'?
Quyết định rút quân của ông Trump ở Syria đồng nghĩa với việc Washington đang 'bỏ rất nhiều trứng vào giỏ' của Tổng thống Putin.
“Cò quay Nga”
Bằng cách rút quân đội khỏi Syria, Tổng thống Donald Trump đang đưa nước Mỹ vào trò chơi “cò quay Nga”, giao phó các mục tiêu an ninh quốc gia quan trọng của đất nước vào tay những đối thủ nguy hiểm, theo CNN.
Tổng thống Trump thường không bao giờ thừa nhận sai lầm, bất chấp mọi lời chỉ trích. Vì vậy không có khả năng ông sẽ thay đổi bước đi gây tranh cãi ở Syria.
Bằng cách mở đường cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tấn công người Kurd, nhà lãnh đạo Mỹ không những bị chỉ trích là bỏ rơi đối tác chống khủng bố ở Syria, mà còn để lại những câu hỏi hoài nghi từ Israel – một trong những đồng minh quan trọng khác ở khu vực.
Tờ CNN cũng chỉ ra thêm những tác hại khôn lường đến từ quyết định của ông Trump, trong đó các lực lượng Nga và Syria đang thu lợi từ việc chiếm các căn cứ cũ của Mỹ bỏ lại ở đông bắc Syria, nơi người Kurd kiểm soát.
Mỹ vẫn được biết đến là quốc gia mạnh mẽ, đóng vai trò chủ chốt ở mọi điểm nóng khu vực trên thế giới. Nhưng các lực lượng đồng minh cũ của Mỹ giờ đây phải tìm đường nhờ cậy đến chính quyền Tổng thống Assad và Nga để bảo vệ.
Trong khi người Mỹ cũng đang phải miễn cưỡng dựa vào kẻ thù lớn nhất là Nga - hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo đổ máu dừng lại.
Điều này đồng nghĩa với việc Washington “bỏ rất nhiều trứng vào giỏ” của Tổng thống Putin, cây bút Samantha Vinograd của tờ CNN nhấn mạnh.
Đến lượt mình, Nga đang tận dụng hình ảnh đối tác không đáng tin cậy của nước Mỹ để quảng bá mình là một người bạn tốt nào ở Trung Đông. Không giống như Tổng thống Trump, ông Putin đang chứng minh rằng ông sẽ không bỏ rơi ngang đường bất kỳ đồng minh nào.
Tổng thống Nga đã có các chuyến thăm đáng chú ý đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Saudi Arabia vào tuần trước. Giới quan sát cho rằng, khi ông giành được quyền lực ở Syria, có khả năng nhà lãnh đạo Nga sẽ tiếp tục áp dụng sự tương phản nói trên để duy trì ảnh hưởng của mình trong thế giới Ả Rập.
Tổng thống Trump từng tuyên bố rằng ông không quan tâm nếu Nga (thậm chí là Trung Quốc, hay Napoléon Bonaparte) đến bảo vệ người Kurd, nhưng có lẽ ông không ngờ rằng đó đang là những động thái chiến lược, mang ý nghĩa dài hạn của Nga, với tham vọng thu hút mọi quốc gia tìm đến Moscow nhiều hơn thay vì đến Washington.
Israel trông chờ vào ai?
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã bay tới Israel vào tuần trước để cố gắng xoa dịu những lo ngại của các quan chức Israel về quyết định rút quân của Mỹ có thể tăng cường khả năng hoạt động của Iran ở Syria.
Sự ủng hộ dành cho Israel là một trong những trọng tâm đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỷ và Tổng thống Trump luôn thể hiện ông là người bạn tốt nhất mà Israel từng có. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ rõ Iran là một trong những đối thủ của nước Mỹ.
Tuy nhiên, ngay cả khi ông Trump vẫn để lại một lực lượng nhỏ tại căn cứ al-Tanf ở miền trung nam Syria, việc hạ thấp sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria đang khiến các quan chức Israel hoài nghi về khả năng Mỹ bảo vệ nước này khỏi các cuộc tấn công của Iran từ bên trong Syria như thế nào.
Iran đã triển khai Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đến Syria với mục tiêu tạo ra một hành lang trên mặt đất, vận chuyển vũ khí, hàng hóa cho Hezbollah sang Lebanon.
Từ bên trong Syria, các lực lượng đồng minh của Iran giờ đây sẽ có khả năng tấn công Israel dễ dàng hơn. Trên thực tế, Israel đã tiến hành các cuộc tấn công chống lại các mục tiêu của Iran ở Syria cũng vì mối lo này.
Với việc lực lượng Mỹ ngày càng ít hơn ở Syria như hiện nay và Tổng thống Trump công khai không quan tâm đến vấn đề Syria, người Israel sẽ phải phụ thuộc vào những người chơi khác - như Tổng thống Putin - để cố gắng giữ Iran trong tầm kiểm soát.
Tương tự như vậy, Mỹ cũng sẽ càng phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà lãnh đạo nắm vai trò thực sự trong trò chơi Syria - như Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan - vốn là các đối tác của Iran - để cố gắng ngăn chặn các cuộc tấn công chống lại Israel.
Tờ CNN cho rằng, chính sách của ông Trump là đang đánh cược việc kiềm chế đối thủ Iran vào tay những đối thủ khác của chính Mỹ. Đó là một quyết định đầy rủi ro.