Mỹ lo lắng khi Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Nam Cực
Cuộc cạnh tranh Trung Quốc - Phương Tây đang diễn ra ở nơi lạnh giá nhất Trái Đất: Nam Cực.
Phân tích mới nhất từ Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho thấy, Trung Quốc đang có sự cạnh tranh một cách thầm lặng với các nước phương Tây ở Nam Cực. Dường như họ đã âm thầm thực hiện chiến lược này và ngày càng mạnh mẽ hơn, buộc Washington phải dành đến nhiều sự quan tâm hơn.
Theo báo cáo, Trung Quốc đã khởi động lại việc xây dựng căn cứ thứ năm ở Nam Cực lần đầu tiên kể từ năm 2018 và đang đạt được “tiến bộ đáng kể”. Trong khi đó, Mỹ có ba trạm nghiên cứu quanh năm ở Nam Cực.
CSIS đã phân tích các hình ảnh vệ tinh cho thấy, công việc xây dựng các cơ sở nghiên cứu của Trung Quốc đang được tiến hành tại căn cứ mới trên đảo Inexpressible, cách New Zealand gần 2.000 dặm về phía nam . Nó cũng cách Trạm McMurdo của Mỹ khoảng 200 dặm - là căn cứ lớn nhất trên lục địa băng giá.
Sau vài năm không hoạt động, căn cứ mới của Trung Quốc hiện có một số hỗ trợ mới, các nền tảng hạ tầng đã sẵn sàng cho một cấu trúc cơ sở nghiên cứu rộng lớn hơn. CSIS cho biết sau khi hoàn thành, khu vực rộng 5.000 mét vuông dự kiến sẽ bao gồm một khu nghiên cứu và quan sát khoa học, một cơ sở năng lượng, một cầu cảng cho hai tàu phá băng Xuelong.
Cơ sở mới của Trung Quốc có thể được sử dụng để tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo trong khu vực. Báo cáo cho rằng, Trung Quốc đang “tiến hành mở rộng dấu ấn đáng kể nhất của mình ở đó trong một thập kỷ qua".
CSIS cho biết một trạm mặt đất vệ tinh tại căn cứ mới của Bắc Kinh ở Nam Cực sẽ “có khả năng ứng dụng kép” – khoa học và tình báo.
Trạm mặt đất có thể được sử dụng để thu thập tín hiệu tình báo và dữ liệu từ xa từ các tên lửa do đồng minh của Mỹ là Australia và New Zealand phóng đi.
Không chỉ vậy, báo cáo mới nhất của CSIS cũng nêu chi tiết các động thái của Trung Quốc ở Bắc Cực, nơi nước này đang đẩy mạnh đầu tư với Nga để khai thác các tuyến vận tải mới mà phía Nga gọi là "Tuyến đường biển Bắc". Tuyến hàng hải này có tiềm năng lớn thay thế được kênh đào Suez trong thời kỳ mới khi băng biển ở vùng cực bắt đầu tan ra.
Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng tham vọng của họ ở Nam Cực và Bắc Cực , cả hai đều là nơi đặt các trạm nghiên cứu của Mỹ và các đồng minh, hoàn toàn là khoa học.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, những lo ngại về hoạt động của họ ở Nam Cực là "không cần thiết". Bắc Kinh khẳng định việc xây dựng các căn cứ ở Nam Cực hoàn toàn tuân thủ các quy tắc và thủ tục quốc tế.
Hoạt động này sẽ có lợi cho việc nâng cao kiến thức khoa học của con người về Nam Cực, cung cấp một nền tảng hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia khác trong nghiên cứu khoa học ở Nam Cực, đồng thời thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững ở Nam Cực, ông Uông Văn Bân - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.
Tuy nhiên, một số chuyên gia về địa chính trị ở phương Tây coi sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc ở các vùng cực là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm củng cố chỗ đứng cho quân đội của nước này trên toàn cầu.
Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học SOAS ở London, cho biết: “Nếu họ coi mình là một siêu cường sắp tới với tham vọng toàn cầu, tại sao họ lại không muốn mở rộng sự hiện diện của mình ở đó?"