Nga có thể mua hệ thống tên lửa phóng loạt tầm xa nhất châu Âu do Belarus sản xuất, thông tin nói trên đã được trình bày bởi các chuyên gia quân sự Mỹ đến từ tạp chí Military Watch.
Sau khi Liên Xô tan rã, phần lớn lĩnh vực quốc phòng của siêu cường quốc này được kế thừa bởi Nga. Trong khi đó Ukraine và Belarus nhận được một phần nhỏ hơn nhưng vẫn khá lớn.
Hai quốc gia trên vào thời kỳ hậu Xô viết đã không làm mất đi tiềm lực quốc phòng của Liên Xô, thậm chí còn có khả năng phát triển những vũ khí cực kỳ hứa hẹn. Đặc biệt, hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) Polonez là ví dụ điển hình.
Các nhà phân tích của ấn phẩm Mỹ cho biết: “Các cuộc thử nghiệm được Belarus tiến hành với tổ hợp Polonez đã hoàn thành vào tháng 5 năm 2016, và ba tháng sau nó bắt đầu được chuyển giao cho quân đội nước này".
Vì Belarus chuyên sản xuất các loại xe tải việc dã bánh lốp hạng nặng, cho nên khung gầm MZKT-7930 Astrolog 8 × 8 của chính nước này đã được sử dụng làm nền tảng mang vác bệ phóng của hệ thống Polonez.
Xe mang phóng tự hành của Polonez tích hợp 8 tên lửa A200 của Trung Quốc tầm xa tới 200 km. Sau đó, con số này được tăng lên 290 km ở biến thể Polonez-M. Minsk hiện có kế hoạch thay thế đạn của Trung Quốc bằng tên lửa do chính họ sản xuất với tầm bắn tương tự.
Các chuyên gia của tờ Military Watch nhận định rằng ngày nay Polonez của Belarus là hệ thống tên lửa phóng loạt tầm xa nhất được sản xuất ở châu Âu, vượt trội các hệ thống vũ khí từ thời Liên Xô cả về tầm bắn lẫn độ chính xác.
Tuy nhiên bất chấp tính năng tiên tiến của hệ thống pháo - tên lửa này, chỉ có 6 bệ phóng như vậy được chuyển giao cho Quân đội Belarus, trong khi 10 tổ hợp khác đã được xuất khẩu sang Azerbaijan.
Giới chuyên gia quân sự Mỹ tin rằng Nga cũng có thể mua được vũ khí do Belarus sản xuất bởi quan hệ giữa Moskva và Minsk là gần như "không có giới hạn". Ngoài ra Nga cũng đang cần một vũ khí đủ sức đối chọi với HIMARS trong biên chế Quân đội Ukraine.
Tuy nhiên theo giới chuyên gia: “Nhược điểm chính của hệ thống MLRS Polonez đối với Nga là khó có thể mua được với số lượng đủ lớn và nhanh chóng, bởi quy mô sản xuất của Belarus còn rất nhỏ".
Nhưng cũng không loại trừ khả năng Belarus sẽ rút toàn bộ 6 tổ hợp Polonez đang có trong thành phần tác chiến của quân đội nước mình để bàn giao cho Nga khi nhận đươc yêu cầu.
Với tầm bắn xa, độ chính xác cực lớn, đi kèm với uy lực mạnh mẽ của các loại đạn trang bị cho hệ thống Polonez, Nga sẽ có một vũ khí ưu việt, đủ sức chế áp các tổ hợp M142 HIMARS hay M270 MLRS do Mỹ, Anh, Đức cung cấp cho Ukraine.
Tuy nhiên diễn biến trên cũng có thể dẫn tới tình trạng leo thang, đó là Mỹ quyết định cung cấp cho Ukraine tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-140 ATACMS như một biện pháp trả đũa.
Bên cạnh đó, do là một vũ khí có nguồn gốc Trung Quốc, nếu Belarus muốn bán Polonez cho nước thứ ba thì nhiều khả năng họ sẽ phải tham vấn ý kiến Bắc Kinh, đây cũng là một trở ngại không nhỏ đối với Nga.
Bạch Dương