Hãng Kalashnikov của Nga giới thiệu mẫu súng AK-19 sử dụng đạn chuẩn NATO, dự kiến dòng súng này sẽ trở thành vũ khí cá nhân chủ lực xuất khẩu sang một số quốc gia NATO vốn ưa thích sự hoạt động bền bỉ của dòng súng AK.
Một trong những điều làm nên tên tuổi của dòng súng trường tấn công AK chính là sự ổn định không bị kẹt đạn khi hoạt động kể cả trong môi trường bụi bẩn, dễ bảo trì, sữa chữa cũng như sản xuất, chính vì thế nhiều quốc gia đã chọn chúng vào trang bị.
Hiện nhiều quốc gia NATO vẫn đang biên chế dòng súng trường tấn công M-16 và M-4 do Mỹ sản xuất. Việc Nga chính thức cho ra mắt dòng súng AK sử dụng đạn tiêu chuẩn 5,56 NATO được dự báo sẽ lấn át các dòng súng trường tấn công của Mỹ vốn có chi phí sản xuất cao, và rất nhạy cảm với môi trường bụi bẩn.
AK-19 được phát triển từ dòng súng AK-12, súng sử dụng báng gấp trọng lượng nhẹ, thước ngắm cơ khí kiểu mới và loa che lửa có thể gắn nòng giảm thanh.
Nòng AK-19 dài 415 mm, trọng lượng súng hơn 3,3 kg. Mẫu súng mới sở hữu tính năng tương tự như AK-12 với tầm bắn 440 m và ba chế độ bắn gồm phát một, loạt hai viên và liên thanh.
Súng AK-19 mang dáng dấp hiện đại giống với các mẫu súng trường tấn công hàng đầu của phương Tây.
Có thể dễ dàng nhận thấy thanh ray picatinny đã được trang bị dọc thân súng để có thể dễ dàng gắn các phụ kiện cần thiết.
Việc súng trường có thể gắn những phụ kiện chiến đấu đang trở thành xu thế đối với quân đội hiện đại.
Báng súng có thể điều chỉnh tùy theo yêu cầu của từng xạ thủ. Các dòng súng AK hiện đại đã bắt đầu bắt kịp xu thế chế tạo báng có thể thay đổi định dạng, điều mà phương Tây đã làm từ nhiều thập niên trước.
Đầu giảm giật của AK-19 cũng được thiết kế lại giúp cho súng có độ giật ít hơn, từ đó tăng thêm độ chính xác.
Tay cầm súng cũng được thiết kế lại giống với các súng trường tấn công của phương Tây.
Thước ngắm cơ khi cũng được thiết kế lại giúp cho việc ngắm bắn dễ dàng hơn.
Hãng Kalashnikov cũng từng chế tạo súng trường AK-101 và AK-102 sử dụng đạn chuẩn NATO 5.56x45 mm, dựa trên mẫu AK-74M với báng và ốp nòng làm bằng vật liệu mới. Hai mẫu súng trên có mặt trong biên chế quân đội Indonesia, Uruguay và một số đơn vị đặc nhiệm hoặc cảnh sát khác trên thế giới.
Nga hy vọng dòng súng AK-19 sẽ tiếp tục thành công và trở thành vũ khí ưa chuộng của một số nước thành viên NATO vốn có truyền thống sử dụng súng trường tấn công AK của Liên Xô.
Việt Hùng