Mỹ Lộc quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Huyện Mỹ Lộc có trên 80.300 người, trong đó 46.250 người trong độ tuổi lao động, chiếm 58% dân số của huyện. Xác định vai trò quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, dịch vụ, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Lộc luôn quan tâm chỉ đạo... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Huyện Mỹ Lộc có trên 80.300 người, trong đó 46.250 người trong độ tuổi lao động, chiếm 58% dân số của huyện. Xác định vai trò quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, dịch vụ, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Lộc luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động.
UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; quyền lợi của người lao động tham gia học nghề theo Đề án 1956. Căn cứ các nội dung của Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng năm, huyện đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trong độ tuổi; tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn học nghề phù hợp khả năng, điều kiện của bản thân. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và chỉ tiêu của UBND tỉnh giao về đào tạo nghề, huyện mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn và nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã mở 39 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp cho 1.059 lao động, trong đó có 33 đối tượng thuộc diện hộ nghèo, gần 70 đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo. Theo số liệu của Phòng LĐ-TB và XH huyện, trong 5 năm qua, toàn huyện có 965 lao động có việc làm sau đào tạo (đạt tỷ lệ 91,1%), trong đó 33 gia đình có người tham gia học nghề đã thoát nghèo, 932 gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhập khá. Bên cạnh thực hiện tốt Đề án 1956, mỗi năm, các đoàn thể trong huyện như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và UBND các xã, thị trấn phối hợp với các trường dạy nghề trong tỉnh tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn hội viên và nhân dân địa phương. Lao động được đào tạo nghề có cơ hội tìm kiếm tự tạo việc làm các ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề. Ngoài ra, các ngành chức năng phối hợp định hướng cho người lao động học nghề, tìm việc làm, tự tạo việc làm phù hợp; kết nối người lao động với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động; gắn tạo việc làm với phát triển các làng nghề truyền thống để người lao động, nhất là người nghèo có việc làm, thu nhập ổn định. Hiện trên địa bàn huyện có 166 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ, bên cạnh tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 5.000 lao động địa phương, nhiều doanh nghiệp còn tham gia công tác đào tạo nghề như: Công ty CP Thương mại Chiềng Mai, Công ty CP Thương Mại NT Toàn Cầu; Công ty TNHH MTV May Trường Phúc… Với những giải pháp hiệu quả, đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đạt trên 42%.
Để tăng hiệu quả sau đào tạo nghề và giảm nghèo bền vững, hàng năm, hàng nghìn lượt hộ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong huyện được tạo điều kiện vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ hàng chục tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, nhiều hộ nông dân sau khi được đào tạo nghề đã đầu tư mở rộng sản xuất, vươn lên thoát nghèo và có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, giải quyết việc làm trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, các ngành nghề dịch vụ. Nhiều địa phương của huyện thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề và hỗ trợ lao động vay vốn như các xã: Mỹ Hà, Mỹ Tân, Mỹ Thắng, Mỹ Phúc, Mỹ Tiến… Xã Mỹ Hà có tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 97%, có 51% lao động qua đào tạo. Sau đào tạo nghề, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn vay vốn từ các ngân hàng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế. Chị Trần Thị Êm ở xóm 9, thuộc diện hộ cận nghèo. Sau khóa học nghề về chăn nuôi, chị được Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư đào ao nuôi cá nước ngọt với diện tích 0,3ha. Trên bờ ao chị trồng thêm 250 cây ăn trái đặc sản như bưởi Diễn, bưởi da xanh, mít Thái cùng với rau màu các loại. Đến nay, kinh tế của gia đình chị ổn định với thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng. Nhiều hộ cận nghèo ở xã Mỹ Hà cũng thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách như hộ bà Trần Thị Trúc ở xóm 8 với trang trại nuôi cá, ông Trần Văn Tuyến ở xóm 9 nuôi cá nước ngọt… Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã Mỹ Hà đã giảm, còn 1%. Xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) là vùng quê thuần nông, cốt ruộng không đều, khó canh tác; trong đó có nhiều diện tích đất thùng đào, thùng đấu sản xuất không hiệu quả. Cùng với đổi mới sản xuất nông nghiệp, quy hoạch diện tích đất canh tác, xã đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Một số hộ dân ở xã Mỹ Tiến đã áp dụng thành công kiến thức được học, mạnh dạn đầu tư sản xuất hiệu quả. Ông Trần Văn Ấp sau khi được học lớp bồi dưỡng về chăn nuôi đã phát triển kinh tế trang trại với diện tích trên 6ha, trồng cam canh, bưởi diễn, quất cảnh, chanh đào, ổi kết hợp với nuôi gà Đông Tảo, lợn nái, lợn thịt và cá truyền thống, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động. Còn ở xã Mỹ Tân, nhờ được học nghề và tiếp cận các nguồn vốn vay, chị Tạ Thị Trang đã đầu tư trồng 3ha hoa, mỗi năm cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng.
Thời gian tới, huyện Mỹ Lộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường tư vấn cho người lao động đăng ký nhu cầu học nghề cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Các xã, thị trấn liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại doanh nghiệp nhằm thu hút người dân tham gia học nghề, góp phần ổn định thị trường lao động./.
Bài và ảnh: Viết Dư