Mỹ mạnh tay áp thuế quan lên sản phẩm điện mặt trời từ Đông Nam Á
Đây được xem là một động thái leo thang thương chiến Mỹ - Trung, bởi Washington cho rằng nhiều nhà sản xuất sản phẩm năng lượng mặt trời từ Trung Quốc đã mở nhà máy ở khu vực này trong những năm gần đây...

Ảnh minh họa - Ảnh: WSJ.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 21/4/2025 mạnh tay áp thuế quan lên sản phẩm năng lượng mặt trời nhập khẩu từ 4 nước Đông Nam Á.
Theo tờ báo Wall Street Journal, thuế quan lên tới 3.521% mà Mỹ áp lên tế bào quang điện (solar cell) nhập khẩu từ Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia có thể sẽ khiến cho những sản phẩm này không còn khả năng cạnh tranh ở thị trường Mỹ. Việc áp thuế này diễn ra sau cuộc điều tra kéo dài 1 năm do Bộ Thương mại Mỹ tiến hành sau khi nhận được khiếu nại từ các nhà sản xuất Mỹ rằng các nhà sản xuất Trung Quốc đặt nhà máy tại các quốc gia Đông Nam Á, bán phá giá tế bào quang điện và tấm pin năng lượng mặt trời (solar panel) vào thị trường Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, tổng thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng áp lên sản phẩm của công ty Jinko Solar từ Malaysia là 41,56%, thấp nhất trong kế hoạch thuế quan này. Sản phẩm của công ty Rival Trina Solar từ Thái Lan bị áp mức thuế 375,19%. Các sản phẩm từ Campuchia bị áp thuế 3.521% vì các nhà sản xuất tại nước này không hợp tác với cuộc điều tra của Mỹ.
Trung Quốc đã trở thành mục tiêu lớn nhất trong cuộc chiến thương mại mà ông Trump phát động trong năm nay nhằm vào những gì Washington coi là các hoạt động thương mại không công bằng của hầu hết các đối tác thương mại, trong đó có nhiều đồng minh của Mỹ. Các phản ứng trả đũa thuế quan lẫn nhau của Nhà Trắng và Bắc Kinh đang đặt ra nguy cơ phần lớn hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào ngưng trệ.
Thuế quan năng lượng mặt trời công bố ngày 21/4 cho thấy mối lo ngại ở Mỹ rằng Trung Quốc có thể tránh được việc phải trả thuế quan trừng phạt bằng cách tăng hoạt động xuất khẩu từ một mạng lưới các nhà máy toàn cầu mà nước này đã mở rộng trong những năm gần đây.
Năm 2024, Ủy ban Thương mại của Liên minh Mỹ về sản xuất năng lượng mặt trời (AASM) đã đệ đơn thỉnh cầu Chính phủ nước này bảo vệ các thành viên của liên minh khỏi những gì họ cho là “các hoạt động thương mại có hại” của Trung Quốc. Tổ chức này cáo buộc rằng chính sách công nghiệp của Bắc Kinh đã dẫn đến việc trợ cấp ồ ạt cho ngành năng lượng mặt trời ở Trung Quốc và Đông Nam Á, đe dọa ngành sản xuất năng lượng mặt trời của Mỹ.
Các mức thuế quan mới phản ánh đánh giá của Bộ Thương mại Mỹ rằng một số nhà sản xuất Trung Quốc đã vận chuyển các sản phẩm năng lượng mặt trời qua các nước Đông Nam Á để tránh phải trả thuế quan trước đây.
Mỹ đã trở thành một thị trường hấp dẫn cho các nhà sản xuất sản phẩm năng lượng tái tạo, một phần do các chính sách mà Tổng thống Joe Biden đưa ra như Đạo luật Giảm lạm phát (IRA). Năng lượng mặt trời chiếm hơn 15% lượng điện được tạo ra ở các tiểu bang bao gồm California và Massachusetts.
Năm ngoái, chính quyền ông Biden đã ban hành các quyết định sơ bộ để áp dụng thuế đối kháng dao động từ 0-300% đối với các tấm pin mặt trời và tế bào quang điện được sản xuất tại 4 nước Đông Nam Á nói trên. Các mức thuế quan mới mà chính quyền ông Trump áp lên các sản phẩm này được đưa ra vào một thời điểm đầy thách thức đối với ngành điện mặt trời nói chung.
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã bắt đầu thực hiện chính sách năng lượng có thể làm suy yếu nhu cầu tấm pin mặt trời, bao gồm dỡ bỏ một số rào cản đối với hoạt động khai thác than mà một số nhà phân tích cho rằng sẽ làm chậm quá trình đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng than. Kế hoạch thuế quan đối ứng mà ông Trump vào đầu tháng 4 này được dự báo sẽ làm tăng chi phí đối với các dự án năng lượng sạch mới, bao gồm cả năng lượng mặt trời.