Mỹ muốn Ấn Độ mở cửa ngành thương mại điện tử trong thỏa thuận thương mại mới
Mỹ đang thúc giục Ấn Độ nới lỏng bớt các quy định với các nhà đầu tư nước ngoài và với các nền tảng mua sắm trực tuyến, vốn đang hạn chế các công ty thương mại điện tử nước ngoài như Amazon thâm nhập vào thị trường 1,4 tỷ dân này.
Nội dung này được Mỹ đưa vào cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) với Ấn Độ, sẽ được bắt đầu trong 2 ngày tới.
Tờ Financial Times mới đây đưa tin, Chính phủ Mỹ dự định hối thúc Ấn Độ trao cho các hãng bán lẻ như Amazon và Walmart nhiều quyền tiếp cận hơn tại thị trường thương mại điện tử trị giá 125 tỷ đôla của đất nước Nam Á. Nội dung này sẽ có trong các cuộc đàm phán thương mại Ấn – Mỹ sắp diễn ra. Điều này được cho là phù hợp với chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump, vốn thúc đẩy một “môi trường công bằng hơn” cho các công ty Mỹ. Mỹ áp mức thuế có đi có lại 26% lên hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ, nhưng đang tạm hoãn 90 ngày để chờ đàm phán.

Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Jaipur, bang miền Tây Bắc Rajasthan, Ấn Độ ngày 22/4, trong đó ông kêu gọi Ấn Độ giảm bớt các rào cản thương mại (Ảnh: ANI)
Washington đang vận động hành lang để Ấn Độ giảm bớt các hạn chế đối với các công ty thương mại điện tử nước ngoài, ủng hộ việc đối xử bình đẳng trong một thị trường mà các công ty trong nước hiện đang được hưởng nhiều quyền tự do hoạt động hơn. Mỹ coi các chính sách thương mại điện tử của Ấn Độ - đặc biệt là các hạn chế đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài và quyền sở hữu nền tảng - là những trở ngại chính.
Thông tin của Financial Times cho biết các công ty Mỹ hiện chỉ được phép hoạt động như các thị trường của bên thứ ba, trong khi các đối thủ Ấn Độ có thể sản xuất và bán hàng trực tiếp.
Các nhà lãnh đạo ngành bán lẻ tại Mỹ, bao gồm cả CEO Walmart Doug McMillon và Jeff Bezos của Amazon đang đóng vai trò trung tâm trong các cuộc thảo luận này. McMillon, công ty sở hữu Flipkart, được cho là đã nêu lên mối quan ngại về các hạn chế thương mại điện tử của Ấn Độ trực tiếp với Tổng thống Donald Trump trong các cuộc họp riêng. McMillon cũng đã tham dự một cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 21/4 cùng với các giám đốc điều hành bán lẻ khác để thảo luận về các vấn đề liên quan đến thuế quan.
Mặc dù Amazon liên tục mở rộng hoạt động kể từ khi gia nhập thị trường Ấn Độ vào năm 2013, nhưng công ty này vẫn tiếp tục tụt hậu so với Flipkart về số lượng người dùng hoạt động hàng ngày. Dữ liệu của Bank of America cho thấy Amazon có dưới 40 triệu người dùng hàng ngày vào cuối năm ngoái, so với 50 triệu người dùng của Flipkart.
Việc đàm phán Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) giữa Mỹ và Ấn Độ cũng là một nội dung trong buổi làm việc giữa Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chiều tối ngày 21/4 ở New Delhi. Sau cuộc họp, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố đã có “tiến triển đáng kể” trong việc hoàn thiện một thỏa thuận thương mại bao gồm các lĩnh vực như năng lượng, quốc phòng và công nghệ. Cả hai quốc gia đều đặt mục tiêu tăng thương mại song phương về hàng hóa và dịch vụ lên 500 tỷ USD — gấp đôi khối lượng hiện tại. Trong khuôn khổ BTA, Ấn Độ đang xem xét cắt giảm đáng kể thuế quan đối với hơn một nửa trong số 41,8 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Cũng trong ngày 21/4, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, bà Nirmala Sitharaman, người đang có chuyến công du kéo dài năm ngày tới Mỹ, cho biết Ấn Độ hy vọng sẽ “kết thúc tích cực” phần đầu tiên của hiệp định thương mại với Mỹ vào mùa thu năm nay.