Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học

Để thích nghi với điều kiện chăn nuôi ngày càng khó khăn, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi dần chuyển hướng, thực hành quy trình chăn nuôi an toàn sinh học vào sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Chăn nuôi.

Người chăn nuôi tiêm vắc xin cho gia cầm để ngừa dịch. Ảnh: THỦY TIÊN

Người chăn nuôi tiêm vắc xin cho gia cầm để ngừa dịch. Ảnh: THỦY TIÊN

Hiệu quả trong phòng chống dịch

Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) là một trong những định hướng của Nhà nước nhằm thúc đẩy chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tại Phú Yên, thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy, phát triển chăn nuôi ATSH, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, cung cấp cho thị trường những sản phẩm đảm bảo an toàn, giảm tác động đến môi trường. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trang trại chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi ATSH mang lại hiệu quả cao trong phòng chống dịch bệnh.

Là một trong những trang trại chăn nuôi heo hiện đại nhất tại Phú Yên, Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao BaF Phú Yên 1 tại xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) đi vào hoạt động hơn 3 năm nay. Với quy mô đàn lớn hơn 5.000 con heo giống, nhờ áp dụng công nghệ cao và quy trình chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu nên tình hình dịch bệnh ở đàn vật nuôi luôn trong tầm kiểm soát. Ông Nguyễn Thanh Tuyến, Trưởng trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao BaF Phú Yên 1 cho biết: Quy trình chăn nuôi ATSH được trại áp dụng vào sản xuất từ lúc bắt đầu hoạt động cho đến nay. Trại còn áp dụng quy trình kiểm soát, cách ly đối với người, phương tiện ra vào trại và thực hiện quy tắc vành đai cách ly theo quy chuẩn chăn nuôi hàng đầu thế giới… Thực hiện khép kín quy trình ATSH trong chăn nuôi, trang trại đã ứng dụng công nghệ xử lý chất thải hiện đại. Toàn bộ chất thải từ chăn nuôi được thu gom về hố, bơm lên máy ép để tách riêng phân và nước thải. Sau đó, phân sẽ được xử lý thành các phụ phẩm nông nghiệp, nước thải đưa vào hầm biogas yếm khí, qua các công đoạn lọc lắng trước khi vào hệ thống xử lý thành nước đạt tiêu chuẩn, tái sử dụng cho hoạt động chăn nuôi tại trại. Trang trại áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi ATSH nên dịch bệnh ở đàn vật nuôi luôn được kiểm soát tuyệt đối.

Với những kết quả tích cực đã mang lại trong việc phòng dịch, quy trình chăn nuôi ATSH ngày càng được nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi áp dụng. Trại nuôi heo thịt của ông Võ Văn Tính ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) có quy mô 400 con/lứa. Vài năm gần đây, ông Tính áp dụng quy trình chăn nuôi ATSH, giúp hạn chế dịch bệnh, đặc biệt trong các đợt xảy ra dịch tả heo châu Phi trên địa bàn, trại của ông vẫn không bị lây nhiễm. Ông Tính cho hay: Với quy trình chăn nuôi ATSH, toàn bộ đầu vào, đầu ra của trại đều được giám sát chặt. Đàn giống được tiêm đầy đủ vắc xin theo đúng liều lượng và thời gian quy định. Môi trường bên trong trại cũng được giám sát kỹ, các khâu vệ sinh, xử lý chất thải, tiêu độc sát trùng môi trường được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhờ vậy, trại ngăn chặn được dịch bệnh phát sinh.

Toàn tỉnh hiện có 116 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với việc thực hiện quy trình chăn nuôi ATSH gắn kiểm soát dịch bệnh, hoạt động chăn nuôi ở các trang trại luôn ổn định, không xảy ra dịch, kể cả các loại dịch bệnh có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm…

Tiếp tục nhân rộng

Chăn nuôi ATSH là giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh trên đàn vật nuôi, có khả năng lây nhiễm cho con người và gây hại đến môi trường. Chăn nuôi ATSH sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi và người tiêu dùng, đây sẽ là “lá chắn” bảo vệ đàn vật nuôi. Vì vậy, các địa phương và cơ quan chức năng đã tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi ATSH vào sản xuất.

UBND tỉnh đã ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045. Trong đó, tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành Chăn nuôi, ưu tiên phát triển chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi bền vững để thiết lập môi trường chăn nuôi xanh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Vì vậy, việc ứng dụng quy trình chăn nuôi ATSH càng trở nên cần thiết để đạt được các mục tiêu mà tỉnh đã đề ra.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhiều năm qua, đơn vị này đã triển khai rất nhiều mô hình chăn nuôi đến bà con. Các mô hình do trung tâm thực hiện đều áp dụng quy trình chăn nuôi ATSH. Thông qua các dự án, mô hình khuyến nông, bà con được tập huấn về chăn nuôi ATSH để thực hành, nhân rộng trong sản xuất. Ông Trần Thanh Tuấn ở xã Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa) cho biết: Năm 2022, tôi tham gia mô hình nuôi vịt biển ATSH do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Khi tham gia mô hình, ngoài việc được biết đến giống vật nuôi mới thì tôi và nhiều hộ chăn nuôi ở địa phương được hướng dẫn cụ thể về quy trình chăn nuôi ATSH. Việc áp dụng quy trình này đã kéo tỉ lệ hao hụt trong chăn nuôi vịt từ 20% xuống còn 3%, con số vô cùng ấn tượng. Chính vì vậy, gia đình tôi đã áp dụng quy trình này vào nuôi bò, giúp giảm hẳn dịch bệnh ở đàn bò, tăng hiệu quả kinh tế.

Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Hòa, những năm qua, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo để người dân tiếp cận với các kỹ thuật chăn nuôi ATSH, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045. Trong đó, tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành Chăn nuôi, ưu tiên phát triển chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi bền vững để thiết lập môi trường chăn nuôi xanh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Vì vậy, việc ứng dụng quy trình chăn nuôi ATSH càng trở nên cần thiết để đạt được các mục tiêu mà tỉnh đã đề ra.

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/kinh-te/202504/phat-trien-chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc-12d144f/