Mỹ muốn đàm phán với Nga và Trung Quốc, không cần điều kiện tiên quyết, Moscow nói gì?
Ngày 18/3, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết, nước này đã đề xuất với Nga và Trung Quốc khởi động đàm phán về kiểm soát vũ khí.
Bà Thomas-Greenfield nói: “Hiện Mỹ muốn tham gia các cuộc thảo luận song phương về kiểm soát vũ khí với Nga và Trung Quốc - không có điều kiện tiên quyết. Tất cả những gì các ngài phải làm là nói đồng ý và ngồi vào bàn đàm phán với thiện chí”.
Interfax đưa tin, Bộ Ngoại giao Nga đã bình luận về sáng kiến này, lưu ý rằng, các tác giả “rõ ràng không thèm làm quen” với nội dung thông điệp liên bang mà Tổng thống Vladimir Putin đọc trước Quốc hội Liên bang Nga ngày 29/2.
Khi đó, ông Putin nói rằng, Nga nhận thấy các quốc gia phương Tây một mặt đang hô hào đánh bại nước này về chiến lược, mặt khác, họ được cho là muốn đàm phán với Moscow về sự ổn định chiến lược và điều này là không thể.
Bộ trên nói rõ: "Lập trường của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận các vấn đề an ninh và ổn định một cách toàn diện, nhấn mạnh vào những khía cạnh ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh đất nước".
Tuy nhiên, Nga nhận định, theo sáng kiến trên, hiện quốc gia này đang được đề nghị tiến hành đối thoại theo các điều kiện của Washington và chỉ về những vấn đề liên quan Mỹ.
Trong khi đó, Sputnik dẫn lời Phó Đại diện thường trực Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy cho biết, đối thoại chiến lược giữa Nga và Mỹ về kiểm soát vũ khí chỉ có thể thực hiện được nếu Washington và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) "sửa đổi đường lối chống Moscow" và không thể tách rời bối cảnh chung cũng như bối cảnh quân sự.
Ngoài ra, quan chức trên nhấn mạnh, Mỹ cần thể hiện rằng, nước này sẵn sàng tham gia vào cuộc đối thoại toàn diện có tính đến tất cả các yếu tố ổn định chiến lược của Nga và loại bỏ tất cả lo ngại mà Moscow đang quan tâm.
Cũng theo ông Polyanskiy, Nga sẵn sàng đàm phán mang tính xây dựng về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân với các nước quan tâm trong Hội nghị Đánh giá Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mới.