Mỹ muốn đóng góp một phần thúc đẩy kinh tế Ấn Độ

Đại diện khu vực Nam Á của Mỹ đã nói rằng quốc gia này mong muốn trở thành một phần trong phép màu kinh tế Ấn Độ, đồng thời cho rằng kinh tế của quốc gia này càng phát triển, toàn cầu càng được hưởng lợi.

Vài năm qua, Ấn Độ là một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, nền kinh tế của quốc gia này trị giá 3 nghìn tỷ USD. Trong thập kỷ tới, Ấn Độ hiện đặt mục tiêu đầy tham vọng trở thành nền kinh tế 10 nghìn tỷ USD và là một nền kinh tế phát triển vào năm 2047.

 Quốc kỳ của Mỹ và Ấn Độ. Ảnh: Internet.

Quốc kỳ của Mỹ và Ấn Độ. Ảnh: Internet.

Nhận thấy được tiềm năng đó, trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á Donald Lu chia sẻ trong một buổi phỏng vấn: “Chúng tôi muốn trở thành một phần trong phép màu kinh tế của Ấn Độ”.

Đồng thời, vị này nhấn mạnh: “Mỹ ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu của Ấn Độ là phát triển nền kinh tế một cách toàn diện. Ấn Độ càng phát triển thì càng tốt cho chính quốc gia này, cho Mỹ và cả thế giới. Một Ấn Độ thịnh vượng sẽ có nhiều nguồn lực hơn để giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và các đại dịch trong tương lai”, ông lu nói.

Đồng thời, ông chia sẻ đầy tự hào rằng hiện nay, có hơn 200.000 sinh viên Ấn Độ đang theo học tại các trường đại học tại xứ cờ hoa.

Trong khi đó, theo dữ liệu sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy thương mại song phương và hàng hóa giữa Mỹ và Ấn Độ đã tăng thêm 7%. Ông lưu ý rằng điều này giúp cả hai nền kinh tế mở rộng và cho thấy rõ ràng rằng có nhiều cơ hội để đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa.

Vào năm 2019, thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và Ấn Độ ước tính đạt 146,1 tỷ USD vào năm 2019, năm 2022 đạt hơn 192 tỷ USD. Năm nay, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.

Tổng thống Joe Biden, khi còn là Phó tổng thống, trong chuyến công du Ấn Độ đã nói rằng mục tiêu của thương mại song phương phải đạt tới 500 tỷ USD mỗi năm.

Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, trong năm tài chính 2020-21, Ấn Độ đã nhận được khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất từ trước đến nay lên tới 81,72 tỷ USD.

Đặc biệt, Mỹ đã trở thành nguồn FDI lớn thứ hai của Ấn Độ trong giai đoạn 2020-2021 với dòng vốn 13,82 tỷ USD. Ngoài ra, đất nước cờ hoa còn là một trong 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của FDI Ấn Độ.

Mỹ rất muốn tăng cường hợp tác về lĩnh vực công nghệ, từ trí tuệ nhân tạo đến điện toán lượng tử với quốc gia đông dân nhất thế giới.

Gần đây, Mỹ và Ấn Độ mới đây đã công bố một loạt kế hoạch nhằm tăng cường chiều sâu và phạm vi hợp tác song phương về công nghệ tiên tiến, bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng, thiết bị quân sự, ngành chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Việc khởi động chương trình tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn Độ là cuộc đối thoại lần đầu được tổ chức theo Sáng kiến về Công nghệ quan trọng và mới nổi.

Hai bên đã công bố một loạt kế hoạch nhằm tăng cường chiều sâu và phạm vi hợp tác song phương về công nghệ tiên tiến, trong đó nêu bật 6 lĩnh vực hợp tác đã được lên kế hoạch gồm: tăng cường hệ sinh thái đổi mới, hợp tác công nghệ và đổi mới quốc phòng, chuỗi cung ứng bán dẫn linh hoạt, vũ trụ, tài năng STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) và viễn thông thế hệ mới.

Điệp Nguyễn (Theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-muon-dong-gop-mot-phan-thuc-day-kinh-te-an-do-post244860.html