Mỹ muốn hợp tác phát triển chuỗi cung ứng với Việt Nam
Đây là khẳng định của bà Janet Yelle, Bộ trưởng Tài chính Mỹ trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chiều 20/7, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao phía Mỹ đã xác nhận Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện thành công "Kế hoạch hành động về tỉ giá và minh bạch hóa thông tin", góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung và giữa hai cơ quan nói riêng.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa - đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Trong tổng thể chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, đánh giá cao việc hai bên đã duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao, đặc biệt là cuộc điện đàm rất thành công giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối tháng 3 vừa qua.
Hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ thời gian qua, trong đó quan hệ kinh tế - thương mại là trụ cột, động lực thúc đẩy mạnh mẽ.
Thủ tướng hoan nghênh các hoạt động hợp tác, những đánh giá khách quan và phù hợp của Bộ Tài chính Mỹ về điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá của Việt Nam thời gian qua và chia sẻ về tình hình kinh tế - xã hội, những định hướng lớn trong chính sách tài chính, tiền tệ của Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, trong đó có tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, chuỗi cung ứng…
Trong đó, ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục duy trì cơ chế giải quyết các vấn đề liên quan qua đối thoại, trao đổi chặt chẽ giữa hai cơ quan đối với các vấn đề phát sinh thời gian tới.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị thúc đẩy hợp tác trong ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện Tuyên bố Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng, hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, thành lập thị trường carbon.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ bày tỏ trong chuyến thăm lại Việt Nam lần này, bà đã chứng kiến những thay đổi đầy ấn tượng về sự phát triển của Việt Nam và khẳng định Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng với Mỹ và đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước này.
Mỹ mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam; có kế hoạch tăng cường hợp tác với Việt Nam về chuỗi cung ứng trên cơ sở đối tác toàn diện, tin cậy; hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn và năng lượng tái tạo.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính Việt Nam trong hiện đại hóa chính sách tiền tệ, cơ chế tỷ giá và các vấn đề vĩ mô khác, hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế.
Thủ tướng nhất trí với đề nghị của phía Mỹ và cho biết, mở rộng chuỗi cung ứng, sản xuất chip, chất bán dẫn cũng là ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam và cho biết Việt Nam đang thúc đẩy xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi, hạ tầng kỹ thuật, quản trị hiện đại cũng như đào tạo nhân lực trong những lĩnh vực này.
Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995) và 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện (ngày 25/7/2013), quan hệ hai nước đã và đang phát triển ngày một tích cực, vững chắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân… trên nền tảng hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi.
Về thương mại, kim ngạch song phương năm 2022 đạt hơn 123 tỷ USD, Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam.
Sang 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 51,3 tỷ USD, giảm. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 44,4 tỷ USD, nhập khẩu từ mỹ 6,9 tỷ USD hàng hóa. Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng thủy sản lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu hàng dệt, may lớn nhất của Việt Nam với giá trị xuất khẩu lần lượt là 706 triệu USD và 6,96 tỷ USD.
Về đầu tư, Mỹ xếp thứ 11/142 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Lũy kế tới tháng 6/2023, Mỹ có 1.270 dự án đầu tư với tổng vốn hơn 11,7 triệu USD vào Việt Nam.