Mỹ muốn lôi kéo Hàn Quốc vào cuộc chiến ngành công nghệ chip
Mỹ đã đưa ra đề nghị trên khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chuẩn bị có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ vào ngày 24/4.
Theo tin từ tờ báo Financial Times, Mỹ đã đề nghị Hàn Quốc kêu gọi các công ty sản xuất chip Hàn Quốc không lấp chỗ trống ở Trung Quốc trong trường hợp Trung Quốc cấm công ty Micron của Mỹ bán chip tại thị trường Trung Quốc. Động thái này của Mỹ được cho là đang tập hợp các đồng minh nhằm gia tăng sức ép với Trung Quốc trong cuộc chiến ngành chip.
Financial Times cho biết thêm rằng Mỹ đã đưa ra đề nghị trên khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chuẩn bị có chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington vào ngày 24/4.
Trước đó, Cơ quan Quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) thông báo đã mở cuộc điều tra liên quan tới an ninh quốc gia đối với công ty Micron - một trong 3 công ty hàng đầu trên thị trường chip nhớ DRAM toàn cầu, cùng với Samsung Electronics và SK Hynix của Hàn Quốc.
Hiện chưa rõ CAC sẽ có hành động pháp lý đối với công ty Micron sau cuộc điều tra hay không. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đối đến công ty Micron có thể tương đối lớn bởi Trung Quốc đại lục và Hồng Kông chiếm 25% trong tổng doanh thu khoảng 30,8 tỷ USD năm ngoái của công ty này.
Financial Times cho biết, các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tin rằng cuộc điều tra của CAC là hành động trả đũa của Trung Quốc đối với các hành động cứng rắn mà Mỹ đã thực hiện nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận hoặc sản xuất các loại chip tiên tiến.
Vụ việc của Micron nổi lên như một phép thử về việc liệu Trung Quốc có sẵn sàng lần đầu tiên thực hiện các biện pháp kinh tế chống lại một công ty lớn của Mỹ hay không.
Mỹ đã đề nghị Seoul khuyến khích Samsung Electronics và SK Hynix không thúc đẩy hoạt động bán hàng ở Trung Quốc trong trường hợp Micron bị cấm bán hàng tại thị trường này sau cuộc điều tra.
Theo các nhà phân tích nhận định, lời kêu gọi của Mỹ được đưa ra giữa thời điểm nhạy cảm khi Tổng thống Hàn Quốc chuẩn bị tới thăm Mỹ. Dù Mỹ từng làm việc với các đồng minh để chống lại Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng đây là lần đầu tiên Mỹ đề nghị một đồng minh đưa các doanh nghiệp của họ tham gia hành động.
Mỹ cho biết, chính phủ Mỹ và Hàn Quốc đã đạt được bước tiến lịch sử trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác về các vấn đề an ninh quốc gia và an ninh kinh tế, trong đó có nỗ lực bảo vệ các công nghệ tiên tiến hàng đầu.
Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: Bước tiến này bao gồm nỗ lực điều phối các khoản đầu tư vào lĩnh vực ngành bán dẫn, bảo vệ các công nghệ quan trọng và giải quyết những động thái cưỡng ép kinh tế. Chúng tôi kỳ vọng chuyến thăm cấp nhà nước sắp tới của Tổng thống Hàn Quốc sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác về lĩnh vực ngành bán dẫn.
Hiện chưa rõ phản ứng của Hàn Quốc với lời đề nghị của Mỹ. Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đang hoàn tất các bước chuẩn bị cuối cùng cho chuyến thăm. Theo chương trình, trong chuyến thăm của Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo hai bên sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có việc Mỹ sẽ đảm bảo như thế nào cho Hàn Quốc khi các vụ thử tên lửa của Triều Tiên đang làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Theo các nhà phân tích, đề xuất liên quan tới Micron của Mỹ cũng đặt Tổng thống Hàn Quốc vào thế khó. Ông Yoon mới nhậm chức vào năm ngoái với quan điểm được cho là cứng rắn hơn đối với Trung Quốc so với người tiền nhiệm Moon Jae-in. Tuy nhiên, chính quyền của ông cũng phản đối những nỗ lực của Mỹ nhằm tập hợp các đồng minh ủng hộ chương trình nghị sự an ninh kinh tế của mình. Hàn Quốc lo ngại rằng, khả năng cạnh tranh của Samsung và SK Hynix trong dài hạn có thể bị suy yếu bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ chip của Mỹ.
Dù Samsung và SK Hynix sẽ không hoan nghênh việc cắt giảm hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, Mỹ có thể sẽ có một số ưu đãi riêng nhằm đạt được mục đích. Tháng 10 năm ngoái, khi công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu liên quan tới ngành chip sang Trung Quốc, Mỹ đã miễn trừ cho các công ty Hàn Quốc có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc để họ có thể xuất khẩu con chip từ nước này. Các giấy phép miễn trừ này sẽ phải được gia hạn trong năm nay.
Trong khi đó, các nhà sản xuất chip nhớ đang phải chịu áp lực do tình trạng thừa cung trong quý 1/2023, khiến giá chip DRAM, chip dùng trong mọi thiết bị điện tử từ TV cho tới điện thoại đã giảm tới 25%.
Financial Times cho biết, đề nghị trên của Mỹ đối với Seoul cho thấy chính quyền của ông Biden muốn đảm bảo rằng, Trung Quốc không thể sử dụng Micron như một cách để gây ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ.
Đề xuất của Mỹ đối với Hàn Quốc cũng cho thấy, ngành chip đang là tâm điểm của những bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tháng 12 năm ngoái, Mỹ đã đưa Yangtze Memory Technologies Co, công ty sản xuất chip nhớ Trung Quốc, vào danh sách đen. Doanh nghiệp Mỹ bị cấm xuất khẩu công nghệ và dịch vụ cho những công ty nằm trong danh sách này nếu không có giấy phép và đây cũng không phải loại giấy phép dễ dàng được cấp tại Mỹ.