Mỹ nam, đả nữ làng thể thao công khai là người đồng tính
VĐV nhảy cầu Tom Daley, ngôi sao bóng đá Robbie Rogers hay nữ đội trưởng Megan Rapinoe đều góp nhiều công sức, tâm huyết để đấu tranh vì quyền của người đồng tính.
Tháng 5/2013, Jason Collins (sinh năm 1978) trở thành vận động viên đang hoạt động đầu tiên của NBA công khai giới tính, gây chấn động trong giới bóng rổ Mỹ nói riêng và cả làng thể thao thế giới. Anh tuyên bố trên tờ Sports Illustrated khi đang chơi cho Washington Wizards: "Tôi là cầu thủ 34 tuổi đang chơi cho NBA. Tôi là người da đen. Và tôi đồng tính". Ít tháng sau, anh được tạp chí Time bình chọn là một trong những người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Với những thành công trong sự nghiệp, cựu VĐV 41 tuổi từng lọt vào top 5 những người đồng tính gốc Phi nổi tiếng nhất tại Mỹ.
Tom Daley (26 tuổi, Anh) được mệnh danh "mỹ nam môn nhảy cầu", từng giành huy chương tại các kỳ Olympic 2012 và Olympic 2016. Năm 2018, khi giành HCV tại Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung (Commonwealth Games), anh đã dùng khoảnh khắc được vinh danh để kêu gọi 37/53 quốc gia của Khối thịnh vượng chung công nhận đồng tính là hợp pháp. Daley hy vọng một ngày nào đó tất cả các VĐV như mình có thể tự tin công khai giới tính thật khi thi đấu. Anh đã là ông bố một con và kết hôn với Dustin Lance Black vào năm 2017.
Gus Kenworthy (28 tuổi) là một trong những VĐV đồng tính có nhiều đóng góp trong việc đấu tranh vì quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT+. Năm 2018, khi có màn trình diễn không thành công tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang (Hàn Quốc), Kenworthy được bạn trai an ủi bằng một nụ hôn. Khoảnh khắc đó lọt vào ống kính truyền hình trực tiếp và nhanh chóng viral khắp thế giới, trở thành biểu tượng tình yêu của cộng đồng LGBT. Năm ngoái, VĐV người Mỹ gốc Anh cũng có chuyến đi xe đạp dài 545 dặm (hơn 730 km) để gây quỹ và nâng cao nhận thức cho những người nhiễm HIV/Aids.
"Mỹ nam làng bóng đá" thuộc CLB Los Angeles Galaxy, Robbie Rogers, công khai giới tính năm 2013. Anh trở thành VĐV thuộc 5 giải đấu lớn nhất Bắc Mỹ công khai là gay. Khi LA Galaxy vô địch MLS Cup 2014, cựu Tổng thống Barack Obama đã nhắc đến Robbie trong bài phát biểu của mình, ca ngợi anh vì đã "mở đường" cho những VĐV đồng tính. Robbie từng viết một bài thể hiện quan điểm cá nhân cho tờ USA Today để chê bai quyết định của Fifa trong việc chọn Qatar và Nga - những quốc gia có cái nhìn khắt khe về cộng đồng LGBT - đăng cai World Cup.
Megan Rapinoe (34 tuổi) - ngôi sao bóng đá của Reign FC - đã dẫn dắt đội tuyển quốc gia Mỹ giành vô địch tại giải World Cup bóng đá nữ 2019. Cô được tờ Sports Illustrated’s vinh danh, giành giải Ballon d’Or - giải thưởng được trao cho cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Cô có nhiều đóng góp cho các tổ chức của cộng đồng LGBT. Rapinoe cũng tích cực đấu tranh cho bình đẳng giới trong thể thao, muốn các VĐV được trả lương ngang nhau.
Là võ sĩ MMA chuyển giới đầu tiên, Fallon Fox (44 tuổi) luôn muốn dùng sức ảnh hưởng của mình để nâng cao nhận thức của cộng đồng về người chuyển giới. Trong một cuộc phỏng vấn với The Chicago Reader, cựu võ sĩ tiết lộ muốn viết một cuốn hồi ký như một hướng dẫn cho những người gặp khó khăn trong việc xác định giới tính thật của mình.
VĐV điền kinh Caster Semenya (29 tuổi, Nam Phi) là người đồng tính nữ. Cô từng giành huy chương tại Thế vận hội năm 2016. Cô bị cấm thi đấu tại Giải vô địch thế giới ở Doha, bị xếp vào nhóm "giới tính nam về mặt sinh học" vì lượng testosterone cao. Đây là vấn đề cô gặp phải do chứng "rối loạn phát triển giới tính". Bên cạnh thi đấu, Semenya còn điều hành quỹ của riêng mình để tạo cơ hội cho các vận động viên trẻ và kém may mắn.