Mỹ: Nam thiếu niên có nguy cơ đuối nước cao gấp 10 lần so với nữ
Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em từ 1 đến 19 tuổi ở Mỹ. Đáng chú ý, nam thiếu niên từ 15 đến 19 tuổi có nguy cơ chết đuối cao gấp 10 lần so với nữ.
Những con số nhức nhối
Theo một báo cáo hồi tháng 7 do Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) công bố, nam thiếu niên từ 15 đến 19 có nguy cơ chết đuối cao gấp 10 lần so với nữ. Báo cáo cũng cho biết, khoảng 75% trẻ em và thanh thiếu niên bị đuối nước là trẻ em trai.
Các nhà nghiên cứu của AAP cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm: trẻ em trai luôn tự tin, thậm chí có phần chủ quan về khả năng bơi lội của mình hơn trẻ em gái, hoặc tình trạng sử dụng rượu bia nhiều hơn ở trẻ em trai so với trẻ em gái.
Theo tiến sĩ Linda Quan, bác sĩ y khoa cấp cứu nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Seattle và là thành viên của nhóm nghiên cứu của AAP, trẻ em da đen và Mỹ da đỏ/Alaska bản địa dưới 19 tuổi có nguy cơ chết đuối cao hơn đáng kể so với các chủng tộc khác. Đối với các trường hợp tử vong trong bể bơi, trẻ em da đen từ 5 đến 19 tuổi có nguy cơ chết đuối cao hơn gấp 5 lần so với trẻ em da trắng.
Bác sĩ Quan hiện cũng là Giáo sư danh dự về nhi khoa tại trường Đại học Y khoa Washington, Seattle. Bà cho biết: "Bơi lội là môn thể thao có lợi cho sức khỏe và cũng là nhu cầu giải trí chính đáng. Tuy nhiên, trẻ em đến tuổi đi học cần phải vượt qua bài kiểm tra bơi lội ngay tại trường để tránh những sự cố đáng tiếc". Theo bác sĩ Quan, trẻ em ở những gia đình nghèo sẽ gặp khó khăn trong vấn đề này, nên xã hội cần phải chung tay góp sức để cải thiện tình hình.
Theo báo cáo của tiến sĩ David Meddings, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), riêng năm 2019, thế giới có 236.000 người tử vong do tai nạn đuối nước. Tỷ lệ tử vong do đuối nước tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cao hơn gấp 3 lần so với các quốc gia có thu nhập cao.
Trẻ nhỏ là nạn nhân phổ biến nhất
Theo Hiệp hội Chữ thập đỏ Mỹ (ARC), đối với trẻ em từ 1 đến 4 tuổi, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến những sự cố bất ngờ. Nghiên cứu của ARC cũng chỉ ra rằng, đối với trẻ sơ sinh, hầu hết các vụ chết đuối xảy ra trong bồn tắm hoặc chậu lớn. Có tới 30% người chăm sóc thừa nhận đã để trẻ em dưới 2 tuổi không được giám sát trong bồn tắm từ 1 đến hơn 5 phút.
Bác sĩ Quan cho rằng, cần phải giám sát trẻ em mọi lúc, vì các em không có đủ nhận thức để kiểm soát tình hình cũng như không đủ khả năng để ngăn mình khỏi đuối nước. "Điều đó có vẻ nực cười, nhưng tôi đã từng chứng kiến một đứa trẻ 2 tuổi trượt ngã và hoàn toàn bất lực trong cái chậu đầy nước. Tôi phải giải cứu đứa bé sau sự cố đó, nếu không, mọi chuyện đã trở nên rất tồi tệ", bác sĩ Quan kể lại.
Theo báo cáo của AAP, khoảng 70% số ca tử vong do đuối nước ở Mỹ ở trẻ em dưới 15 tuổi, xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8. Điều này trùng với một số tháng ấm nhất trong năm và nhiều trẻ em được nghỉ học. Thời điểm từ 4 đến 6 giờ chiều cũng là những giờ nguy hiểm nhất đối với nạn nhân bị chết đuối. Có đến một nửa số vụ chết đuối xảy ra trong thời gian này, khoảng thời gian bận rộn nhất để bơi lội, theo một nghiên cứu riêng biệt được trích dẫn bởi báo cáo. Đây cũng là thời điểm người lớn thường bận rộn, vừa cố gắng nấu bữa tối và vừa giúp con cái làm bài tập.
Làm thế nào để giữ cho con an toàn?
AAP mong muốn, các bậc phụ huynh thực hành nhiều hướng dẫn an toàn dưới nước để ngăn chuyện con cái của mình bị đuối nước. Đối với các hồ bơi tại nhà, người lớn nên lắp đặt hàng rào cao ít nhất 4 feet, với các cổng tự đóng bao quanh hồ bơi.
Còn theo tiến sĩ Meddings, trẻ em nên được giám sát mọi lúc và mặc áo phao khi bơi. Không bao giờ được để trẻ sơ sinh không có người giám sát trong bồn tắm, vì ghế tắm có thể bị lật. Sau khi trẻ tắm xong, ngay lập tức đổ nước ra ngoài. Các bậc phụ huynh nên đăng ký cho con mình tham gia các lớp học bơi bắt đầu từ 1 tuổi.
Tiến sĩ Meddings cũng khuyến nghị các đơn vị hữu quan phải đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước tại nơi vui chơi của trẻ em, tổ chức dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ, tập huấn chuyên môn kỹ thuật về cứu hộ và hồi sức cấp cứu cho các bậc phụ huynh cũng như lực lượng bảo vệ.
Nguồn: CNN