Mỹ nâng tầm vị thế đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN

Ngày 10/10, Nhà Trắng đã chính thức phát hành thông cáo về Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ lần thứ 12 tại Viêng Chăn, Lào.

Trong thông cáo từ Nhà Trắng, Chính quyền Tổng thống Joe Biden tái khẳng định cam kết tăng cường mối quan hệ với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và mở rộng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, với mục tiêu thắt chặt hợp tác trên nhiều lĩnh vực mới, cũng như củng cố những lĩnh vực truyền thống.

Bước tiến nổi bật của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ - ASEAN

Trong hơn 3 năm qua, Mỹ đã không ngừng nâng tầm mối quan hệ với ASEAN, với điểm nhấn là việc chính thức thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP). Sự hợp tác này đã được mở rộng ra các lĩnh vực mới như y tế, giao thông, bình đẳng giới, môi trường, khí hậu và năng lượng, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực đã có từ trước như ngoại giao, kinh tế, công nghệ và quốc phòng. Đáng chú ý, Mỹ đã hoàn thành đến 98,37% các cam kết trong Kế hoạch Hành động ASEAN - Mỹ (2022-2025), cho thấy quyết tâm của Washington trong việc duy trì và phát triển quan hệ đối tác với khối này.

Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN và Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần thứ 12 tại Viêng Chăn, Lào ngày 11/10. Ảnh: asean.org

Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN và Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần thứ 12 tại Viêng Chăn, Lào ngày 11/10. Ảnh: asean.org

Thông cáo nhấn mạnh những thành tựu đáng kể của mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai bên. Một trong những điểm nổi bật là việc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) gia hạn Thỏa thuận Hợp tác Phát triển Khu vực ASEAN - Mỹ đến năm 2029, đồng thời khởi động Chương trình Đối tác ASEAN - USAID vào tháng 3/2023.

Mỹ cũng dự kiến tổ chức cuộc tập trận hàng hải ASEAN - Mỹ lần thứ hai vào năm 2025, đồng tổ chức cùng Indonesia. Đây là một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm củng cố an ninh khu vực, đồng thời tăng cường năng lực phòng thủ của các quốc gia ASEAN trước các thách thức an ninh toàn cầu.

Trong lĩnh vực y tế, Mỹ và ASEAN đã chính thức hóa hợp tác thông qua việc khởi động Đối thoại Bộ trưởng Y tế ASEAN - Mỹ hai năm một lần, cùng với nền tảng phòng chống lao khu vực. Đồng thời, chương trình đào tạo an ninh mạng cho Ban Thư ký ASEAN đã được triển khai nhằm tăng cường khả năng ứng phó với các mối đe dọa mạng.

Về môi trường và khí hậu, Mỹ đã ra mắt Trung tâm Giải pháp Khí hậu ASEAN - Mỹ tại Đối thoại Cấp cao về Môi trường và Khí hậu lần thứ ba, với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia ASEAN trong việc đối phó với biến đổi khí hậu.

Tháng 12/2023, Trung tâm Mỹ - ASEAN chính thức được ra mắt tại Washington DC, đóng vai trò như một trung tâm quan trọng cho các hoạt động liên quan đến ASEAN tại Mỹ, từ hợp tác thương mại, kinh tế đến các sáng kiến giáo dục và trao đổi văn hóa.

Thúc đẩy hợp tác đa lĩnh vực, tăng cường đổi mới sáng tạo

Không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực an ninh và y tế, Mỹ cũng đã đầu tư mạnh vào các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo tại ASEAN. Chương trình Đối tác Đô thị Thông minh ASEAN - Mỹ đã đầu tư hơn 19 triệu USD cho hơn 20 dự án kể từ năm 2018, trong khi Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thu hút hơn 160.000 thành viên và 6.000 cựu sinh viên.

USAID cũng công bố khoản tài trợ mới trị giá 2 triệu USD để hỗ trợ phát triển bền vững trong ngành khoáng sản của khu vực, đồng thời nâng cao các tiêu chuẩn về quản trị, môi trường và xã hội.

Về mặt kinh tế, Mỹ hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào ASEAN, với tổng giá trị thương mại giữa hai bên đạt tới 500 tỷ USD vào năm 2023. Kể từ năm 2002, Mỹ đã cung cấp hơn 14,7 tỷ USD viện trợ kinh tế, y tế và an ninh cho các quốc gia trong khu vực, khẳng định vai trò không thể thiếu trong sự phát triển toàn diện của ASEAN.

Đặc biệt, năm 2024, Mỹ và ASEAN đánh dấu cột mốc 47 năm hợp tác, khẳng định mối quan hệ ngày càng sâu sắc và bền vững. Tổng thống Joe Biden cùng Phó Tổng thống Kamala Harris tiếp tục cam kết với vai trò trung tâm của ASEAN và kiên định ủng hộ Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN, phù hợp với các nguyên tắc chiến lược của Mỹ trong khu vực này. ASEAN không chỉ là “trọng tâm” trong chính sách của Washington đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà còn là đối tác chủ chốt trong các sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và đảm bảo ổn định khu vực.

Qua mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Mỹ đã khẳng định vai trò là đối tác đáng tin cậy và lâu dài, cam kết đồng hành cùng sự phát triển của hơn một tỷ người dân tại cả hai khu vực. Những sáng kiến đầy tham vọng này tiếp tục củng cố lòng tin và tạo động lực mạnh mẽ cho sự hợp tác lâu dài giữa Mỹ và ASEAN, hướng tới một tương lai thịnh vượng chung và ổn định bền vững.

Cam kết phát triển bền vững và tầm nhìn dài hạn

Chính quyền Washington đã thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình phát triển kinh tế ASEAN, với hơn 1,4 tỷ USD đầu tư từ các công ty tư nhân Mỹ trong vòng 3 năm qua. Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) cũng đã đầu tư hơn 341 triệu USD vào các thị trường ASEAN trong năm qua.

Nhìn về tương lai, Mỹ cam kết tiếp tục củng cố quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với ASEAN đến năm 2025 và xa hơn, với kế hoạch hành động mới cho giai đoạn 2026-2030. Mục tiêu của Mỹ là thúc đẩy sự thịnh vượng và ổn định của hơn 1 tỷ người dân tại cả hai khu vực, tạo ra một mạng lưới hợp tác mạnh mẽ và toàn diện, đáp ứng các thách thức toàn cầu trong thời đại mới.

Huyền Trang (theo The White House)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/my-nang-tam-vi-the-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-voi-asean-351749.html