Mỹ, NATO khước từ đề xuất an ninh của Nga
Mỹ và NATO đã phản hồi các đề xuất an ninh của Nga bằng văn bản, trong đó chính thức khước từ đề nghị của Moscow về việc ngừng mở rộng về phía Đông, song vẫn để ngỏ con đường ngoại giao để giải quyết các bất đồng.
Hãng tin Reuters sáng 27/1 dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận nước này đã phản hồi bằng văn bản tới Nga về các đề xuất an ninh mà Moscow đưa ra hồi tháng trước, trong đó nhấn mạnh khối NATO sẽ không đóng cửa trước nguyện vọng gia nhập của bất cứ quốc gia nào. “Chúng tôi đã tuyên bố rõ nhất có thể. Cánh cửa của NATO luôn rộng mở, đó là cam kết của chúng tôi”, ông Blinken phát biểu. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, chi tiết văn bản không được công khai để tạo “không gian cho các cuộc đàm phán bí mật”.
Ông Blinken nói rằng, Mỹ đã đề xuất tiếp tục thảo luận cùng Nga về những vấn đề khác như kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin. Dự kiến, ông Blinken sẽ sớm gặp gỡ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. “Chúng tôi hy vọng và mong đợi Nga có cùng quan điểm và sẽ xem xét đề xuất của chúng tôi một cách nghiêm túc”, ông Blinken nói. “Tài liệu trả lời đã trong tay họ và quyền quyết định bước đi tiếp theo sẽ thuộc về phía Nga”.
Ngay sau thông điệp của Mỹ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận NATO cũng đã gửi văn bản trả lời Nga. Ông Stoltenberg cho biết, NATO “sẽ không thỏa hiệp” với Nga về chính sách mở rộng về phía Đông bởi điều đó mâu thuẫn với “nguyên tắc cốt lõi” của khối. Theo lời quan chức NATO, quyết định trên được toàn bộ 30 thành viên liên minh ủng hộ.
Tổng thư ký NATO thông tin thêm, khối đã nêu 3 đề xuất với Nga, thứ nhất là thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Thứ hai, NATO sẵn sàng “đối thoại và lắng nghe những quan ngại của Nga” trên cơ sở tôn trọng quyền lựa chọn chính sách an ninh của các nước. Thứ ba, NATO sẵn sàng tìm kiếm các thỏa thuận giảm rủi ro, minh bạch về các cuộc tập trận cũng như về kiểm soát vũ khí. “Một giải pháp chính trị vẫn có thể đạt được, nhưng tất nhiên, Nga phải có sự hợp tác”, ông nói. Theo Stoltenberg, NATO đã chuẩn bị sẵn các phương án đối phó có thể kích hoạt nhanh chóng nếu Nga “động binh” với Ukraine.
Tháng 12/2021, Nga đã đồng thời gửi 2 bản đề xuất an ninh đến Mỹ và NATO, trong đó yêu cầu khối quân sự cam kết bằng văn bản về việc ngừng mở rộng về phía Đông và không kết nạp Ukraine. Moscow muốn NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997. Nga đồng thời kêu gọi hai bên rút tên lửa tầm ngắn và tầm trung khỏi biên giới của nhau, bước được mô tả là nhằm thay thế Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ rút khỏi vào năm 2018. Gần đây, Nga liên tục nhấn mạnh họ coi kế hoạch kết nạp Ukraine của NATO là vấn đề sống còn và là “lằn ranh đỏ” mà phương Tây không nên bước qua.
Sau khi nhận văn bản trả lời của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, Moscow sẽ xem xét kĩ lưỡng trước khi đưa ra quyết định tiếp theo. “Chúng tôi sẽ đọc nó. Sẽ nghiên cứu nó. Các đối tác (Mỹ và NATO) đã nghiên cứu đề xuất của chúng tôi trong gần một tháng rưỡi”, ông nói. Cũng trong ngày 27/1, TASS dẫn lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitri Medvedev một lần nữa thể hiện sự thất vọng trước việc NATO không giữ lời hứa trước đây về việc ngừng mở rộng về phía Đông. “Họ từng hứa rằng sẽ không mở rộng NATO, nhưng họ không giữ lời”, ông Medvedev nói. “Giờ thì họ nói là họ chưa từng kí kết văn bản gì cả. Nhưng tất cả chúng ta đều biết ai đã đưa ra lời hứa đó vào thời điểm nào”.
Từ Kiev, cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podoliak thì ca ngợi phản ứng của Mỹ trước Nga là “toàn diện, thấu đáo, thực tế và có lý lẽ”, đồng thời kêu gọi Moscow tận dụng cơ hội sử dụng ngoại giao để “tránh một kịch bản tiêu cực”.
Hiện, động thái tiếp theo của Nga đang được cộng đồng quốc tế “nín thở” trông đợi, bởi nó sẽ quyết định cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Moscow và phương Tây về vấn đề Ukraine đi theo hướng nào. Dẫu vậy, giới chuyên gia nhận định, khả năng xảy ra một cuộc xung đột mới ở Ukraine là rất thấp, bởi phía Nga luôn kiên quyết khẳng định họ không có ý định tấn công quốc gia láng giềng.
Theo các nhà quan sát, việc phương Tây liên tiếp có những phát ngôn nhắm vào Nga được cho là nhằm khiến tình hình trông có vẻ căng thẳng hơn để củng cố sức mạnh quân sự của Kiev. Bản thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng lên tiếng kêu gọi người dân không nên hoảng sợ. Nhà lãnh đạo 44 tuổi nhận định việc Mỹ, Anh, Đức và Canada rút một số nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine không nhất thiết là chỉ dấu cho thấy căng thẳng sắp leo thang thành xung đột. “Đó là một phần của trò chơi ngoại giao đầy phức tạp”, ông Zelensky trấn an.
Trong diễn biến tích cực liên quan, Nga và Ukraine ngày 26/1 đã cử phái đoàn cấp cao tới thủ đô Paris của Pháp nhóm họp cùng các quan chức Pháp và Đức theo định dạng Bộ tứ Normandy về cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Bất chấp căng thẳng hiện hữu, hội nghị đã kết thúc với một tuyên bố chung, trong đó Moscow và Kiev cùng thống nhất rằng tất cả các bên liên quan cần tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Đông Ukraine theo tinh thần thỏa thuận Minsk đạt được năm 2014.
“Dù còn khác biệt trong cách diễn giải, chúng tôi nhất trí rằng lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine phải được tất cả các bên duy trì theo đúng thỏa thuận”, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Kozak, đại diện phái đoàn Moscow, phát biểu. Về phần mình, Cố vấn Tổng thống Ukraine Andriy Yermak, người đứng đầu phái đoàn Ukraine, mô tả cuộc đàm phán đã không diễn ra dễ dàng, theo Moscow Times. “Sự ủng hộ với lệnh ngừng bắn lâu dài là điều vô cùng quan trọng”, ông nói.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/my-nato-khuoc-tu-de-xuat-an-ninh-cua-nga-i642958/