Mỹ nêu điều kiện bán chiến đấu cơ F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ
Một nhóm gồm 25 thượng nghị sĩ Mỹ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã gửi thư cho Tổng thống Joe Biden, nói rằng Quốc hội sẽ không phê chuẩn bán chiến đấu cơ F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara không chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.
“Quốc hội không thể xem xét các hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai, bao gồm cả việc bán máy bay chiến đấu F-16, cho đến khi nước này hoàn tất phê chuẩn các giao thức gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan”, đài RT (Nga) dẫn bức thư có chữ ký của các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa, do Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen của New Hampshire công bố ngày 2/2.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ liên hệ rõ ràng và trực tiếp thương vụ bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ với nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden trước đó nhiều lần khẳng định ủng hộ thương vụ nhưng từ chối liên hệ hai vấn đề này với nhau.
Sau khi bị loại khỏi chương trình F-35 do mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất, Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán thỏa thuận mua 40 tiêm kích F-16 mới và 79 bộ phụ tùng để hiện đại hóa chiến đấu cơ hiện có. Quốc hội Mỹ đã nhận được sự chấp thuận cuối cùng và Nhóm Quan sát viên NATO của Thượng viện hôm 2/2 đã thông báo cho ông Biden biết rằng họ cần một sự trao đổi “có đi có lại” để biến thỏa thuận này thành hiện thực.
Các thượng nghị sĩ lưu ý rằng Ankara đang giữ trong tay cơ hội gia nhập NATO của Stockholm và Helsinki “vào thời điểm quan trọng trong lịch sử”, cụ thể là cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez, thành viên đảng Dân chủ New Jersey, đã lên tiếng phản đối bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Menendez đã không ký vào bức thư. Trong phiên điều trần trước ủy ban vào tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland cho biết Bộ Ngoại giao đã tuyên bố rõ với Thổ Nhĩ Kỳ rằng “Quốc hội có thể sẽ có thiện cảm hơn về vấn đề đó sau khi Ankara phê chuẩn đơn gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu”, đề cập đến những chiếc F-16.
Về phần mình, trong phát biểu trước Quốc hội ở Ankara hôm 1/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng Mỹ “sẽ phải trả giá” nếu từ bỏ thỏa thuận F-16. Khi được yêu cầu làm rõ những bình luận trên, phát ngôn viên của Tổng thống Erdogan - Ibrahim Kalin - nói rằng ông đang đề cập đến ngành công nghiệp quân sự của Mỹ.
“Chúng tôi đã và đang phát triển năng lực quốc gia. Máy bay không người lái của chúng tôi đã thực sự cho thế giới thấy chúng có khả năng như thế nào trong việc bảo vệ đất nước ở những thời điểm tồi tệ nhất. Vì vậy, chúng tôi sẽ phát triển năng lực quốc gia và các công ty quốc phòng của Mỹ sẽ thua cuộc trong tất cả những vấn đề này”, ông Kalin nói.
Theo ông, nếu Quốc hội Mỹ coi quá trình gia nhập NATO là điều kiện tiên quyết cho chương trình F-16, thì Washington có thể chờ đợi trong một thời gian dài. Ông khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không liên hệ hai vấn về này với nhau.
Hồi tháng 5/2022, Thụy Điển và Phần Lan tuyên bố sẽ chấm dứt duy trì chính sách trung lập hàng thập kỷ và xin gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu,viện dẫn tình hình xung đột ở Ukraine. Tất cả các thành viên NATO đã phê chuẩn đơn gia nhập của hai quốc gia, ngoại trừ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Budapest dự kiến bỏ phiếu vào tháng tới, Ankara cho biết họ sẽ chỉ ủng hộ Helsinki chứ không ủng hộ Stockholm.
Ông Kalin nói rằng Ankara không có vấn đề gì với Phần Lan, nhưng Thụy Điển đã không tuân thủ thỏa thuận đạt được vào mùa hè năm ngoái liên quan đến các nhà hoạt động người Kurd mà nước này coi là nhóm khủng bố. Ông cũng chỉ ra vụ việc gần đây liên quan đến việc đốt Kinh Koran bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm, gọi đó sự việc “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.