Mỹ - Nga định ngày 3 cuộc đối thoại, trọng tâm là vấn đề Ukraine

Liên tiếp trong ba ngày 10-1, 12-1 và 13-1 năm sau, Nga sẽ lần lượt đối thoại với Mỹ, NATO và OSCE - tổ chức mà Ukraine cũng là thành viên.

Cả Mỹ và Nga đã xác nhận rằng hai nước sẽ tổ chức đối thoại an ninh vào ngày 10-1-2022 để trình bày quan điểm và thảo luận về các căng thẳng hiện tại liên quan tới Ukraine, hãng tin AFP cho hay.

Tối 27-12, giờ địa phương (tức sáng 28-12, giờ Việt Nam), một đại diện của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã tiết lộ thông tin này cho AFP. Quan chức Nhà Trắng này từ chối nêu rõ danh tính.

Ngày 28-12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã xác nhận thông tin về cuộc đối thoại Nga-Mỹ. Ông Ryabkov hy vọng cuộc gặp sắp tới ở TP Geneva (Thụy Sĩ) sẽ mở ra tiến trình cho phép Moscow đạt được các cam kết an ninh mới từ phương Tây.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (phải) gặp nhau tại Geneva hồi tháng 6. Ảnh: BLOOMBERG

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (phải) gặp nhau tại Geneva hồi tháng 6. Ảnh: BLOOMBERG

Cuộc gặp ngày 10-1-2022 là một phần trong sáng kiến Đối thoại An ninh chiến lược được Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin thống nhất thiết lập hồi tháng 6, khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Geneva.

Đồng thời, hai bên cũng cho biết đối thoại giữa Nga và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ diễn ra vào ngày 12-1-2022 tại TP Brussels (Bỉ). Sau đó một ngày sẽ là cuộc đối thoại giữa các quốc gia thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) - bao gồm Mỹ, Canada và các nước châu Âu và các nước từng thuộc Liên Xô, kể cả Nga và Ukraine. Tất cả các cuộc đối thoại đều tập trung vào vấn đề Ukraine.

Cơ hội để đối thoại, nhưng Mỹ-Nga không thể định đoạt chuyện Ukraine

Việc Nga tăng cường lực lượng quân sự gần biên giới giáp Ukraine đã trở thành vấn đề nóng trong nhiều tháng qua, làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn không êm đẹp giữa Moscow và phương Tây. Tuy nhiên, hãng tin Interfax hôm 26-12 cho biết Moscow đã thông báo rút hơn 10.000 quân về “các điểm triển khai thường trực” sau khi nhóm binh sĩ này hoàn tất huấn luyện ở phía tây đất nước.

Nga còn bị chỉ trích gay gắt vì sáp nhập bán đảo Crimea (năm 2014) và hậu thuẫn cho các lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Phương Tây nhiều lần cảnh báo Nga có thể tấn công vào Ukraine vào đầu năm 2022, song Điện Kremlin luôn bác bỏ kịch bản này.

Nga đưa ra cho Mỹ các đề xuất an ninh châu Âu và dọa có thể tiến hành các hành động quân sự không xác định nếu các đề xuất này không được xem xét nghiêm túc, theo hãng tin Reuters.

Điện Kremlin cũng nhấn mạnh việc NATO kết nạp thêm các nước từng thuộc Liên Xô như Ukraine, hay triển khai vũ khí tới nước này sẽ vượt quá “lằn ranh đỏ” của Moscow.

Trong khi đó, Mỹ đe dọa sẽ gia tăng trừng phạt nền kinh tế Nga nếu Moscow điều quân tấn công Ukraine. Tuy nhiên, quan chức thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh rằng Nhà Trắng và Điện Kremlin không thể đưa ra quyết định nào liên quan tới Ukraine nếu không có sự tham gia đối thoại của chính quyền Kiev.

“Khi chúng tôi ngồi xuống đối thoại, Nga có thể đưa ra các mối quan tâm của họ, và chúng tôi cũng sẽ nêu ra các mối quan tâm của chúng tôi về các hoạt động của Nga. Sẽ có những lĩnh vực mà chúng tôi có thể đạt được bước tiến, và những lĩnh vực mà chúng tôi không thống nhất” - quan chức lưu ý.

HOÀN ĐỨC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/my-nga-dinh-ngay-3-cuoc-doi-thoai-trong-tam-la-van-de-ukraine-1036145.html