Mỹ - Nga kiểm soát 88% kho vũ khí hạt nhân của hành tinh
Quy mô kho vũ khí hạt nhân thế giới vừa được công bố bởi FAS, cho thấy tình hình giải trừ quân bị còn rất xa vời.

Nga và Mỹ cùng nhau sở hữu khoảng 88% vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới và kiểm soát 84% số đầu đạn sẵn sàng sử dụng cho mục đích quân sự ngay lập tức.

Dữ liệu này được Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) công bố trong báo cáo về tình hình lực lượng hạt nhân thế giới, được hãng tin BIoomberg đăng tải trong một bài phân tích vào ngày 31/3/2025.

Theo số liệu được FAS đưa ra, kho vũ khí của Nga có 5.449 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ nắm giữ 5.277 đầu đạn, khẳng định ưu thế áp đảo của hai quốc gia trên so với những cường quốc hạt nhân khác.

Ở vị trí thứ ba với khoảng cách khá xa là Trung Quốc, khi Bắc Kinh có kho dự trữ ước tính khoảng 600 đầu đạn hạt nhân. Tiếp theo là Pháp có 290 đơn vị, Anh có 225 đơn vị, đứng thứ năm.

Ấn Độ và Pakistan cũng đang gia tăng kho vũ khí hạt nhân của mình, với lần lượt 180 và 170 đầu đạn. Trong khi đó Israel - mặc dù chưa chính thức xác nhận tình trạng hạt nhân của mình, vẫn có 90 đơn vị, theo ước tính của FAS.

Bên cạnh đó, Triều Tiên - quốc gia đang tích cực phát triển chương trình vũ khí được ước tính có 50 đầu đạn, trở thành cường quốc hạt nhân trẻ nhất trong danh sách nói trên.

Những con số này làm nổi bật sự tập trung năng lực răn đe hạt nhân trong tay hai siêu cường quân sự hàng đầu thế giới, bất chấp nỗ lực củng cố vị thế của các quốc gia khác.

Các nhà khoa học Mỹ còn lưu ý rằng Nga và Mỹ không chỉ dẫn đầu về tổng số đầu đạn mà còn duy trì một phần đáng kể kho vũ khí hạt nhân của mình trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Trong số 5.449 đầu đạn hạt nhân của Nga, khoảng 1.500 đầu đạn được triển khai sẵn sàng trên tên lửa đạn đạo liên lục địa và máy bay ném bom, trong khi đó Mỹ duy trì khoảng 1.400 đầu đạn.

Các đầu đạn còn lại được lưu trữ hoặc dự trữ, cho phép cả hai nước duy trì sự cân bằng chiến lược đã được thiết lập trong Chiến tranh Lạnh và tạo khoảng cách an toàn so với những đối thủ cạnh tranh mới.

Ngày nay, vấn đề hạt nhân một lần nữa lại trở thành sự kiện nóng hổi. Vào tháng 3/2025, Nga được cho là đã thử tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat ở Bắc Cực, gây lo ngại cho Washington.

Động thái trên dẫn đến việc Bộ Quốc phòng Mỹ ngay lập tức tuyên bố hiện đại hóa căn cứ quân sự Pituffik của mình ở trên Đảo Greenland của Đan Mạch để tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa.

Bên cạnh đó, Mỹ đã ký một thỏa thuận với Nhật Bản vào đầu năm nay để triển khai các trạm radar mới nhằm theo dõi tất cả những vụ phóng tên lửa của Trung Quốc và Triều Tiên, gây căng thẳng mối quan hệ với Bắc Kinh.

Theo FAS, trong khi Nga cùng với Mỹ không chế tạo thêm thì Trung Quốc đã gia tăng đáng kể kho vũ khí hạt nhân của mình với hơn 100 đầu đạn chỉ trong vòng 1 năm nhằm tìm cách thu hẹp khoảng cách với các nước dẫn đầu.