Mỹ - Nga leo thang căng thẳng ngoại giao
Các thượng nghị sĩ hàng đầu Mỹ yêu cầu Tổng thống Joe Biden trục xuất 300 nhà ngoại giao Nga khỏi nước này nếu Moscow không cấp thêm thị thực cho các phái viên của Washington tại Nga.
Theo Reuters, đề xuất từ các lãnh đạo lưỡng đảng tại hai ủy ban đối ngoại và tình báo của Thượng viện Mỹ hôm 5/10 cho thấy sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng giữa hai cường quốc, liên quan đến những tranh cãi về nhân viên tại các đại sứ quán.
Hồi tháng 8, Chính phủ Nga đã ra lệnh cấm đại sứ quán Mỹ ở Moscow duy trì, thuê hoặc ký hợp đồng với các nhân viên là người Nga hoặc nước thứ ba, ngoại trừ bảo vệ. Quyết định đã buộc phái bộ của Washington phải cắt giảm 182 nhân viên và hàng chục nhà thầu, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Các thượng nghị sĩ Bob Menendez, Mark Warner thuộc đảng Dân chủ Mỹ và Jim Risch, Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa Mỹ khẳng định, động thái của Moscow khiến Washington chỉ còn khoảng 100 nhà ngoại giao tại Nga, trong khi Moscow có tới 400 đại diện ngoại giao đang hoạt động khắp nước Mỹ.
"Sự không cân xứng về đại diện ngoại giao này là không thể chấp nhận được. Do đó, Nga phải cấp đủ thị thực để đạt được sự tương đương giữa số lượng các nhà ngoại giao Mỹ phục vụ tại Nga và số lượng các nhà ngoại giao Nga phục vụ tại Mỹ", trích một lá thư của các thượng nghị sĩ Mỹ gửi Tổng thống Biden. Họ cũng hối thúc lãnh đạo Nhà Trắng bắt đầu trục xuất 300 nhà ngoại giao Nga nếu Moscow từ chối yêu cầu nói trên.
Cùng ngày, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng chỉ trích động thái của các thượng nghị sĩ Mỹ. Hãng thông tấn Tass dẫn lời quan chức này nhấn mạnh: “Những người kêu gọi thực hiện một biện pháp như vậy rõ ràng muốn tất cả các phái bộ của Mỹ tại Nga phải đóng cửa. Họ nên hiểu rằng, trách nhiệm đối với hành động này sẽ nằm ở phía họ".
Bộ Ngoại giao Nga ngày 10/9 từng triệu tập Đại sứ Mỹ John Sullivan tới để công bố những bằng chứng cáo buộc các tập đoàn công nghệ Mỹ đã vi phạm luật pháp Nga trong giai đoạn ngay trước cuộc bầu cử quốc hội nước này. Nhà chức trách Nga tuyên bố với ông Sullivan rằng, bất kỳ sự can thiệp nào vào các vấn đề nội bộ ở xứ sở bạch dương là "hoàn toàn không chấp nhận được". Điều này đã làm gia tăng căng thẳng quan hệ Moscow - Washington ở mức thấp nhất từ sau chiến tranh Lạnh.