Mỹ nghệ từ gốc cà phê
Trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển, cây cà phê ở huyện Di Linh mang lại cho bà con thu nhập ổn định với mùa màng bội thu. Khi cây đã già và thực hiện tái canh thì gốc của cây lại được những nghệ nhân địa phương chọn lựa để tạo ra sản phẩm mỹ nghệ, những món quà để lưu giữ kỷ niệm.
Đã nhiều năm nay, anh Phạm Văn Luân (xã Đinh Trang Hòa) gắn bó với cưa, đục để làm mộc mỹ nghệ. Thời gian gần đây, công việc của anh ổn định hơn nhờ chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ gốc cây cà phê già cỗi. Trời ban cho đôi bàn tay tài hoa, có khiếu về đục đẽo, điêu khắc nên sản phẩm của anh làm ra được những chủ kinh doanh sản phẩm mỹ nghệ ưa chuộng.
Anh Luân cho hay: Gốc cà phê lâu năm thường có những hình hài rất thú vị, nổi u bướu, dân trong nghề gọi là nu của cây. Nếu như những loại gỗ khác thường làm tròn để tiện lục bình thì gốc cà phê được dùng làm bình phay. Bình phay nu cà phê phải dựa vào thế, dáng của gốc để chế tác mang hình hài của một lọ hoa. Công đoạn tạo dáng bình phay hoàn toàn bằng thủ công, không thể bỏ lên máy tiện nên đòi hỏi người làm nghề phải có sự tinh tế để hình dung ra dáng hình.
Bà Dung ở xã Liên Đầm mở một địa điểm dừng chân đón khách phương xa cho biết, ngoài kinh doanh dịch vụ cà phê, nước uống thì nơi đây còn bán thêm các sản phẩm mỹ nghệ làm từ gốc cà phê như bình phay, gạt tàn, các loại tượng. Thông thường, giá bán của một đôi bình phay cà phê có giá từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng tùy thuộc vào kiểu dáng và kích thước, gạt tàn có giá 150 nghìn đồng, còn các loại tượng thì có giá đắt hơn vì thợ tạc tượng dồn nhiều công sức vào đó.
Sau một thời gian kinh doanh mặt hàng này, bà Dung cho rằng, sản phẩm mỹ nghệ làm từ gốc cà phê được rất nhiều du khách ở miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long khi đi du lịch Đà Lạt ghé mua. Vì căn bản gốc cà phê được tạo thành đồ mỹ nghệ đậm chất vùng cao nguyên đất đỏ và lạ lẫm đối với những người con vùng sông nước. Đây cũng là món quà lưu niệm ý nghĩa của vùng có sản lượng cà phê cao nhất nước.
Là một người gắn bó với nghề tạc tượng, anh Trịnh Thanh Phong (xã Hòa Ninh) được nhiều người ở địa phương mang gốc cà phê đến để thuê anh đục đẽo. Từng được các thầy dạy nghề đến từ các làng tạc tượng gỗ phía Bắc truyền dạy, nên những sản phẩm anh làm ra luôn đem đến sự hài lòng cho khách hàng. Anh Phong vừa đục đẽo trên gốc cà phê vừa nói rằng, đặc điểm của gỗ cà phê rất dễ bị nứt nẻ nên khi chế tác cần tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời, sau đó phải thực hiện các công đoạn như tẩy gỗ, phun các lớp lót, sau đó mới thực hiện lên màu cho sản phẩm. Mỗi sản phẩm tượng gỗ cà phê làm ra giúp anh Phong có thêm thu nhập và niềm vui chính là biến những gốc cây vô tri, vô giác thành những sản phẩm được quý trọng, nâng niu, được đặt trong không gian tiếp khách trang trọng của nhiều gia đình.
Hiện nay, tổng diện tích cà phê của Di Linh khoảng 44.598 ha; huyện xác định tiếp tục giữ ổn định diện tích cà phê hiện có gắn với việc thực hiện tái canh, cải tạo những vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp. Từ những vườn cà phê tái canh, gốc cà phê u bướu đã được người dân địa phương tận dụng để tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, góp phần quảng bá thương hiệu cà phê của địa phương, giải quyết một phần vấn đề việc làm, nhất là những lao động ngành Mộc mỹ nghệ.
Còn riêng đối với những người dân địa phương, những người canh tác cà phê thì hầu như gia đình nào cũng có đôi ba sản phẩm làm từ gốc cà phê để trưng bày trong nhà. Đó là sản phẩm vừa mang tính thẩm mỹ, vừa thể hiện sự trân trọng đối với loài cây đã mang lại cho gia đình họ một cuộc sống no ấm, đủ đầy.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202203/my-nghe-tu-goc-ca-phe-3107599/