Mỹ ngừng sử dụng toàn bộ trực thăng Osprey V-22 sau tai nạn thảm khốc
Quân đội Mỹ vào tối 6.12 thông báo ngừng sử dụng toàn bộ trực thăng Osprey V-22, sau khi 8 thành viên Bộ Chỉ huy Tác chiến đặc biệt thuộc không quân thiệt mạng trong một vụ tai nạn ngoài khơi Nhật Bản cuối tuần trước.
Tai nạn xảy ra do sự cố trang thiết bị chứ không phải do sai sót của phi hành đoàn. Vụ việc làm dấy lên nghi vấn về độ an toàn của Osprey V-22 vốn đã liên quan đến nhiều tai nạn trước đó. Nhật hiện không còn dùng loại trực thăng này nữa.
Quyết định ngừng sử dụng Osprey V-22 lần lượt được không quân, hải quân, thủy quân lục chiến thông báo. Không quân cho biết lệnh đình chỉ hoạt động dự kiến kéo dài đến lúc cuộc điều tra tai nạn tuần trước xác định nguyên nhân cụ thể và có khuyến nghị sử dụng lại trực thăng.
Osprey là dòng máy bay lai, vừa có thể cất/hạ cánh thẳng đứng như trực thăng, vừa sở hữu khả năng xoay cánh quạt về phía trước để di chuyển nhanh như máy bay. Tuy nhiên thiết kế độc đáo dường như là nguyên nhân gây ra hàng loạt tai nạn.
Tai nạn tuần trước một lần nữa khiến Osprey thu hút sự chú ý, đặc biệt là về vấn đề cơ khí của bộ ly hợp. Ngoài ra cũng xuất hiện hoài nghi rằng liệu tất cả bộ phận trực thăng có được sản xuất đúng thông số kỹ thuật an toàn hay không.
Tháng 8 năm nay, thủy quân lục chiến Mỹ công bố kết quả điều tra xác định tai nạn chết người liên quan đến Osprey năm ngoái là do hỏng bộ ly hợp (chưa rõ nguyên nhân sâu xa). Lực lượng này cảnh báo trong tương lai có thể xảy ra vụ việc tương tự nếu không cải tiến phần mềm hệ thống điều khiển, tăng độ bền vật liệu bộ phận truyền động và nâng yêu cầu kiểm tra.
Bộ Chỉ huy Tác chiến đặc biệt thuộc không quân hiện sở hữu 51 chiếc Osprey, thủy quân lục chiến có tới 400 chiếc, hải quân nắm giữ 27 chiếc.
Chiếc Osprey đầu tiên chỉ mới đi vào hoạt động vào năm 2007 sau nhiều thập niên thử nghiệm, tuy nhiên nhiều chuyến bay thử nghiệm và bay huấn luyện sử dụng loại trực thăng này đã cướp đi sinh mạng hơn 50 binh sĩ. Riêng 20 tháng qua xảy ra đến 4 tai nạn khiến 20 người chết.