Mỹ nhân kỳ lạ nhất quyết lấy người ăn mày trên đường làm chồng, không ngờ trở thành hoàng hậu
Nhất quyết đòi lấy người ăn mày vừa gặp trên đường làm chồng, mỹ nhân này khiến hậu thế ngưỡng mộ khi trở thành hoàng hậu. Nàng là ai?
Mỹ nhân kỳ lạ này chính là Sài hoàng hậu, người vợ yêu của Hậu Chu Thái Tổ, tên thật là Quách Uy (904 – 954), một trong những vị hoàng đế thời Ngũ Đại Thập Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người lập ra nhà Hậu Chu vào năm 951.
Mỹ nhân thất sủng nhất quyết đòi lấy người ăn mày dù chỉ gặp 1 lần
Vào thời phong kiến, rất nhiều người khao khát cuộc sống trong cung điện. Bởi vì người xưa cho rằng, dù họ không nổi tiếng nhưng cuộc sống ở trong cung chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều so với người bình thường.
Tuy nhiên, một khi ai đó bị đuổi ra khỏi cung thì cuộc sống của họ cũng rẽ sang hướng khác và phần lớn đều có kết cục không mấy tốt đẹp.
Mỹ nhân không may bị đuổi ra khỏi cung chính là Sài Thị. Trước khi nhập cung, Sài Thị vốn là tiểu thư xuất thân trong một gia đình danh giá tại Long Cương, Hình Châu (nay thuộc thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Nàng không chỉ xinh đẹp mà còn được hưởng một sự giáo dục tốt ngay từ khi còn nhỏ.
Khi lớn lên, Sài Thị được tuyển vào cung và trở thành phi tử của Hậu Đường Trang Tông, vị hoàng đế khai quốc của Hậu Đường. Tuy nhiên, khi Sài Thị còn chưa được sủng hạnh thì hoàng đế của nhà Hậu Đường qua đời. Do đó, Sài Thị bị trả về quê nhà.
So với một số thế thiếp khác của Hậu Đường Trang Tông, Sài Thị vẫn còn một chút may mắn vì nàng vẫn có thể trở về quê để nương tựa ở nhà cha mẹ. Trên đường về nhà, Sài Thị tình cờ gặp một người ăn mày.
Khi đó, nàng dừng chân tại một nhà trọ vì trời mưa. Đúng lúc này, Sài Thị tình cờ trông thấy một người ăn mày. Hai người va vào nhau lúc nàng chuẩn bị bước ra khỏi cửa.
Người ăn mày này ăn mặc rách rưới. Tuy nhiên, khi Sài Thị trông thấy khuôn mặt của người ăn mày lại cho rằng người này có khí phách lớn, sau này ắt sẽ tạo được nghiệp lớn. Chính vì vậy, Sài Thị nhất quyết đòi gả cho người ăn mày này dù chỉ gặp một lần và gia đình nàng ra sức ngăn cản. Sài Thị tuy là phi tử bị đuổi ra khỏi cung của hoàng đế, nhưng dù sao với xuất thân danh giá cùng vẻ ngoài xinh đẹp, nàng chắc chắn sẽ được gả vào những gia đình giàu, có địa vị hơn.
Với sự quyết tâm của con gái, cha mẹ của Sài Thị cũng đành phải chấp nhận để nàng gả cho một người ăn mày.
Chọn người ăn mày làm chồng, mỹ nhân làm thay đổi lịch sử
Anh chàng ăn mày may mắn được mỹ nhân nhìn trúng trên chính là Quách Uy. Người này vốn không phải là ăn mày, nhưng hôm gặp gỡ Sài Thị, do ăn mặc cẩu thả nên thoạt đầu rất giống người nghèo khổ. Quách Uy vốn là một người lính nhỏ bé trong quân đội của triều Hậu Đường. Trong lần gặp gỡ với Sài Thị, Quách Uy đang làm nhiệm vụ đưa thư cho quân đội.
Không ngờ chỉ một lần tình cờ gặp gỡ trong quán trọ, người lính nghèo có vẻ ngoài như ăn mày này lại lấy được mỹ nhân là Sài Thị. Sau khi lấy Quách Uy, Sài Thị đã lấy số tiền mà bản thân tích lũy được khi ở trong cung, một nửa nàng đưa cho cha mẹ, còn một nửa đưa cho người chồng nghèo để tạo lập sự nghiệp.
Lịch sử đã chứng minh, Sài Thị không chỉ xinh đẹp mà còn là mỹ nhân có nhãn quan tinh tường. Người ăn mày mà nàng chọn trong lần về quê năm xưa sau này lại trở thành hoàng đế.
Nhờ có tình yêu, sự quan tâm, săn sóc và hỗ trợ của người vợ tào khang như Sài Thị, Quách Uy dần có sự thăng tiến trong quân đội. Ông được trọng dụng và trở thành đại tướng quân trong quân đội.
Năm 950, Hậu Hán Ẩn Đế, vị hoàng đế thứ hai của cuối cùng của nhà Hậu Hán thời Ngũ Đại Thập Quốc, bí mật sai người đến Nghiệp Thành để ám sát đại tướng là Quách Uy do lo sợ ông có quyền lực quá lớn. Quách Uy liền dẫn quân tấn công thành đô, Hậu Hán Ẩn Đế bị giết trên đường trốn chạy.
Quách Uy lật đổ triều Hậu Hán và được các tướng sĩ tôn lên làm hoàng đế. Theo đó, vào năm 951, Quách Uy lên ngôi hoàng đế tại Biện Kinh, đổi quốc hiệu là Chu, tức Hậu Chu Thái Tổ.
Vì xuất thân nghèo khổ nên Hậu Chu Thái Tổ hiểu được nỗi khổ của người dân. Trong thời gian trị vì đất nước, vị hoàng đế này luôn chú ý trọng dụng nhân tài và quan tâm tới việc cải cách chính trị.
Trong thời thống trị của nhà Hậu Hán, do không quan tâm đến đời sống của nhân dân, chỉ bóc lột của dân, thuế khóa nặng nề khiến nền kinh tế quy sụp. Tuy nhiên, sau khi Hậu Chu Thái Tổ lên ngôi, ông đã xóa bỏ sức ép của sự bóc lột len vai người nông dân. Ông đã giảm nhẹ thuế, đồng thời chấn hưng lại kinh tế. Nhờ đó, đời sống của người dân được yên ổn và đất nước cũng trở nên hưng vượng.
Đáng tiếc, Sài Thị chưa được tận mắt chứng kiến người chồng mà nàng cả đời hết lòng yêu thương xưng đế thì đã qua đời. Trong khi đó, do luôn ghi nhớ về người vợ đồng cam cộng khổ với mình thuở hàn vi nên Quách Uy đã truy phong cho Sài Thị thành Thánh Mục Sài hoàng hậu, sử gọi là Sài hoàng hậu.
Sau khi trở thành hoàng đế, mặc dù có thê thiếp nhưng Hậu Chu Thái Tổ Quách Uy vẫn không bao giờ lập thêm hoàng hậu.
Đến năm 954, Hậu Chu Thái Tổ đổ bệnh và mất ở tuổi 51. Do không có con trai, nên ông đã truyền ngôi cho Sài Vinh, sau đổi thành Quách Vinh, một người cháu ruột của Sài hoàng hậu. Người này từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, lớn lên lại giỏi võ nghệ. Sau khi Hậu Chu Thái Tổ qua đời, Sài Vinh lên ngôi hoàng đế, sử gọi là Hậu Chu Thế Tông. Giống như cha nuôi, Thế Tông được coi là vị hoàng đế có năng lực. Các sử gia đánh giá ông là vị đệ nhất minh quân thời Ngũ đại vì tài thao lược trị quốc.
Có thể thấy rằng Sài Thị là một mỹ nhân kỳ lạ có tầm nhìn độc đáo. Việc một mỹ nhân liễu yếu đào tơ có thể hai lần kết hôn với hoàng đế đã là một chuyện xưa nay hiếm. Tuy nhiên, việc nàng không màng đến xuất thân, vẻ ngoài rách rưới của một chàng trai nghèo và nhất quyết lấy làm chồng lại càng là chuyện kỳ lạ hơn.
Nhưng lịch sử đã chứng minh, lựa chọn của Sài Thị quả nhiên không sai. Việc Hậu Chu Thái Tổ Quách Uy cả đời chỉ lập Sài Thị làm hoàng hậu, đồng thời chọn cháu của nàng làm người kế vị, đủ để thấy tình yêu và sự coi trọng của ông dành cho mỹ nhân này nhiều đến nhường nào.
- Video khám phá Nhạn Môn Quan - cửa ải chỉ chim nhạn mới bay qua được. Nguồn: CCTV.