Mỹ nhân luyện kiếm từ 6 tuổi, được mệnh danh 'nữ thần võ thuật' Trung Quốc
Với khả năng sử dụng 26 loại binh khí khác nhau, cô gái Trương Hàm Lượng được cư dân mạng Trung Quốc gọi với biệt danh 'nữ thần kungfu'.
Video Trương Hàm Lượng dùng Phương Thiên Họa Kích và các binh khí thời Tam Quốc
Trương Hàm Lượng, sinh năm 1987 tại Cam Túc, tốt nghiệp thạc sĩ Học viện Thể thao Tây An năm 2013, hiện là giảng viên tại Học viện Sư phạm Thiên Thủy, trọng tài võ thuật cấp một quốc gia. Trong những năm qua, Trương Hàm Lượng gây sốt trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc với những clip đặc sắc về sử dụng nhiều loại binh khí trong võ thuật truyền thống đất nước này.
"Nữ thần kungfu" gây sốt mạng xã hội
Năm 2019, ngành công nghiệp video ngắn bắt đầu phát triển ở Trung Quốc. Từ nhỏ đã luyện võ, Trương Hàm Lượng muốn tận dụng video ngắn để quảng bá võ thuật. Cô chia sẻ về video đầu tiên của mình: “Tôi dựng video bằng điện thoại, chỉnh tiêu cự, rồi đứng trước ống kính đánh một bài quyền". Trong video, cô mặc áo đỏ, quần đen, tết tóc đuôi sam, đánh quyền trên sân trống, mỗi cú đấm đều dồn toàn lực.
Video 15 giây ngắn ngủi ngay lập tức nhận được hàng chục ngàn lượt thích. Nhiều cư dân mạng cảm thán: “Công phu vững chắc này hẳn đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi". Chẳng bao lâu, cô không hài lòng với cách thể hiện đơn giản, bắt đầu thử nghiệm kết hợp binh khí lạnh và kỹ thuật quay đa góc.
“Từ nhỏ, cha và các anh đã dạy tôi sử dụng một số binh khí lạnh. Biết dùng đại đao, tôi cũng có thể sử dụng các binh khí dài tương tự như phương thiên họa kích. Một số binh khí có điểm tương thông, nên dễ nắm bắt”, Trương Hàm Lượng nói.

Trương Hàm Lượng gây sốt bởi khả năng sử dụng nhiều loại binh khí của võ thuật Trung Quốc
Tháng 9/2021, Trương Hàm Lượng đăng video mang tên “Đeo tai nghe, đừng chớp mắt, cùng khám phá sức hút của võ thuật Trung Hoa!”. Trong 4 phút ngắn ngủi, cô đã sử dụng tới 26 loại binh khí truyền thống như kiếm, trường thương, Nga My thích, song câu, Xuân Thu đại đao, phượng sí lưu kim phách (binh khí dài thuộc họ mác, phần đầu thiết kế xòe ra như cánh phượng hoàng), lang nha bổng…
Trong video, Trương Hàm Lượng tựa như nữ hiệp bước ra từ tiểu thuyết Kim Dung, lúc thì cầm trường kiếm đâm tới, lúc thì xoay Nga My thích trong tay. Xuân Thu đại đao trong tay cô uy lực mạnh mẽ. Phượng sí lưu kim phách được cô biểu diễn khiến người xem trầm trồ.
Mỗi chiêu thức đều tràn đầy sức mạnh, động tác mượt mà như nước chảy mây trôi, thu hút vô số người yêu võ thuật. Video này chỉ riêng trên Bilibili đã đạt hơn 6,6 triệu lượt xem. Nhiều người đặt biệt danh cho Trương Hàm Lượng là “nữ hiệp”, “bí kíp võ lâm sống”, “nữ thần kungfu”, “Hoàng Phi Hồng nữ”,
Một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào Trương Hàm Lượng, có được nhiều binh khí như vậy? “Tìm mọi cách”, Trương Hàm Lượng trả lời.

Trương Hàm Lượng tốn nhiều công sức để tìm các binh khí cổ
Từ năm 2021, cô muốn quay một video “Đao Trung Quốc” để giới thiệu các chiến đao qua các triều đại. Cô tìm kiếm trên mạng nhưng không mua được loại đao mong muốn, nên nhờ các mối quan hệ tìm những chiến đao bị hư hỏng trong lịch sử, rồi đem rèn và mài lại.
Năm 2022, Trương Hàm Lượng Long Tuyền, Chiết Giang – nơi nổi tiếng với gốm sứ và kiếm Long Tuyền, có lịch sử đúc kiếm lâu đời và nhiều bậc thầy đúc kiếm tài hoa. Cô liên hệ với bảo tàng địa phương để mượn binh khí, đồng thời tìm các bậc thầy đúc kiếm để tái tạo đao của các triều đại khác.
Ngay cả Phương Thiên Họa Kích, thứ binh khí gắn liền với nhân vật Lữ Bố trong Tam Quốc, được mệnh danh là “binh khí khó sử dụng nhất thời cổ đại”, Trương Hàm Lượng cũng có thể sử dụng. Nhờ sức mạnh cánh tay vượt trội, cô xoay tròn 360 độ cùng cây kích.
Tờ The Paper mô tả: “Khoảnh khắc dừng lại, như thể đưa người xem trở về chiến trường khói lửa thời xưa. Nữ kiệt như vậy, e rằng nhiều nam nhi cũng phải cúi đầu thán phục”
Sang Nga dạy võ cho người nước ngoài
Trương Hàm Lượng sinh ra trong một gia đình võ thuật ở Thiên Thủy, Cam Túc. Từ nhỏ, cô đã tỏ ra hiếu động, thường cùng bạn bè leo cây, bắt cá và chơi trò đuổi bắt. Khi 3-4 tuổi, cô đã bị cuốn hút bởi âm thanh các học viên võ thuật tập luyện tại nhà.
Đến năm 5-6 sáu tuổi, Trương Hàm Lượng bộ lộ thiên phú rõ rệt khi cô dễ dàng bắt chước các động tác do cha dạy. Gia đình quyết định cho Trương Hàm Lượng luyện các bài cơ bản trước khi để cô vào trường thể thao Võ Vỹ học chuyên nghiệp lúc 9 tuổi.

Trương Hàm Lượng học võ từ cha của mình
Tại trường, Trương Hàm Lượng theo lịch tập luyện nghiêm ngặt: Dậy từ 5h30, tập thể dục, học văn hóa và rèn luyện suốt cả ngày. Có lần phải nhảy bậc thang cao gần 1 mét, cô bị thương rách da chảy máu. Huấn luyện viên nghiêm khắc quát: “Không chịu nổi khổ thì về nhà". Câu nói khiến Trương Hàm Lượng quyết tâm kiên cường hơn, không ngừng nâng cao kỹ thuật. Cô quen dần với đau đớn, kể cả khi phải chạy 20 km dưới nắng gắt hay luyện tập trong gió lạnh buốt.
Sau 2 năm, Trương Hàm Lượng được tham gia giải võ thuật cấp thành phố nhờ tự học kiếm thuật. Mỗi tối, cô rửa bát cho các sư huynh để được hướng dẫn, dần thành thạo và gây ấn tượng với huấn luyện viên. Lần đầu dự giải, cô giành hạng ba, tạo bước đệm cho những thành tích lớn sau này: Vô địch kiếm thuật nữ Cam Túc năm 13 tuổi, vô địch kiếm và thương thuật nữ toàn quốc năm 17 tuổi.

Trương Hàm Lượng dạy võ cho cả người nước ngoài
Tốt nghiệp đại học, Trương Hàm Lượng ở lại Cam Túc làm giảng viên, mong muốn truyền bá sức hút võ thuật. Ban đầu, nhiều học sinh nghi ngờ khi thấy một cô giáo trẻ trung, xinh đẹp, nhưng sự kiên nhẫn, tỉ mỉ của cô đã chinh phục họ. Trương Hàm Lượng chia nhỏ từng động tác để dạy, đồng thời làm bạn, lắng nghe và khuyên bảo học trò. Một số học sinh sau này cũng gắn bó với nghề võ.
Không chỉ giảng dạy trong nước, Trương Hàm Lượng còn quảng bá võ thuật ra quốc tế. Năm 2015, cô lần đầu sang Nga theo lời mời của một hiệp hội Karate. Bước vào sân tập đầy những võ sĩ lực lưỡng, Trương Hàm Lượng giữ bình tĩnh, biểu diễn một bài quyền nhanh, mạnh, mượt mà, nhận được tràng pháo tay và sự ngưỡng mộ.
Nhiều năm qua, cô kiên trì nghiên cứu võ thuật, chú trọng giảng dạy cả kỹ thuật lẫn bối cảnh văn hóa, lịch sử của từng môn phái. Trương Hàm Lượng cho rằng võ thuật không chỉ rèn sức khỏe mà còn dạy cách làm người: phải chân thực, kiên nhẫn, bền bỉ như quá trình mài giũa võ công. “Võ thuật đầy sức hút vô hạn, càng đào sâu càng cảm nhận được hương vị của nó", cô chia sẻ.